Hà Nội hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng thiết yếu

Các sở ngành hữu quan Hà Nội đang chuẩn bị trình UBND thành phố tạm ứng vốn để hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá hàng thiết yếu.
Để siết chặt công tác quản lý giá, Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương sớm trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tạm ứng từ Quỹ Dự trữ tài chính thành phố để hỗ trợ các doanh nghiệp vay (không lãi suất) chủ động cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm bình ổn giá cả thị trường.

Đây là một trong những nội dung giải pháp trọng tâm mà Sở Tài chính Hà Nội đang khẩn trương triển khai nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Sở Tài chính Hà Nội sẽ tăng cường quản lý nhà nước về giá; thực hiện đăng ký giá và kê khai giá để minh bạch trong quản lý, đảm bảo quyền lợi nhà cung cấp, người tiêu dùng và Nhà nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát huy thế mạnh để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước...

Sở Tài chính cũng sẽ cùng với các sở, ban, ngành và chính quyền 29 quận, huyện, thị xã của thành phố đẩy mạnh công tác thu-chi ngân sách; rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011, xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn và giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011; thu hồi hoặc điều chuyển các khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách, không đúng mục tiêu; sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của chín tháng còn lại trong dự toán năm 2011.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Nguyễn Thị Hà Ninh cho biết, ngành tài chính thành phố phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, các quỹ tài chính của thành phố như Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Môi trường, Quỹ cho vay giải quyết việc làm... tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động tài chính-ngân hàng; phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.

Trong đó ưu tiên vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hạn chế vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản.

Cũng theo bà Hà Ninh, Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tạo môi trường minh bạch giúp thực hiện tốt hoạt động huy động vốn qua kênh chứng khoán phục vụ sản xuất kinh doanh, tăng cường tính thanh khoản các cổ phiếu, trái phiếu qua sàn giao dịch chứng khoán trong các chính sách về tín dụng và thị trường chứng khoán./.

Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục