Chứng khoán tại châu Á biến động không đồng nhất

Trong 3 tháng tới, các thị trường chứng khoán vẫn sẽ dễ biến động và vấn đề nợ hai bên bờ Đại Tây Dương tiếp tục chi phối thị trường.
Ngày 12/8, các thị trường chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất, trước các thông tin trái chiều trên thị trường.

Shane Oliver, người đứng đầu công ty AMP Capital, có trụ sở tại Sydney, Australia, dự đoán trong ba tháng tới các thị trường chứng khoán vẫn sẽ dễ biến động và vấn đề nợ hai bên bờ Đại Tây Dương tiếp tục là nhân tố chi phối thị trường.

Chiều cùng ngày, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo đánh mất 18,22 điểm (0,2%) và đóng cửa ở mức 8.963,72 điểm, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo sợ dai dẳng về triển vọng "u ám" của kinh tế toàn cầu.

Theo giới phân tích, mặc dù chứng khoán Nhật Bản đã nhận được sự hỗ trợ từ đà đi lên của chứng khoán Phố Wall đêm trước, song sức ép từ hoạt động bán ra vào cuối phiên đã đẩy chỉ số Nikkei đi xuống.

Yutaka Miura, nhà phân tích thuộc công ty Mizuho Securities nhận định, tâm lý bi quan của các nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone) và "sức khỏe" của kinh tế Mỹ đang "phủ bóng" lên thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Ngoài ra, thị trường còn chịu ảnh hưởng của việc đồng yen tăng giá, tác động xấu các nhà xuất khẩu xứ sở hoa anh đào.

Cùng đà đi xuống, tại Hàn Quốc, chỉ số Kopsi của thị trường chứng khoán Seoul giảm 24,13 điểm (1,33%) xuống 1.793,31 điểm, trước hoạt động bán ra các nhà đầu tư.

Nhà phân tích Cho Byung-Hyun của công ty Tong Yang Securities cho biết, mặc dù thông báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm đã có tác động tích cực đến chứng khoán Seoul, nhưng vẫn không "lấn át" được mối lo sợ về việc Mỹ bị hạ thứ bậc xếp hạng tín dụng và nguy cơ từ "núi nợ" tại Eurozone.

Ông Cho dự đoán, tuần tới chỉ số Kopsi sẽ được đẩy lên, song vẫn tồn tại nhiều điều chưa chắc chắn, do thiếu những động lực đáng kể.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 11,66 điểm (0,45%) lên 2.593,17 điểm và chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong tăng 24,87 điểm (0,13%) lên 19.620,01 điểm, nhờ hoạt động mua vào các đầu tư, chủ yếu đối với các cổ phiếu chia lợi tức cao và cổ phiếu của các công ty tiêu dùng trong nước.

Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 cũng tăng 31,8 điểm (0,77%) lên 4.172,6 điểm, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã bắt đầu có những hành động để cải thiện tình hình khó khăn hiện nay. Động thái đẩy chứng khoán của xứ sở chuột túi đi lên.

Đêm trước, tại Mỹ chỉ số công nghiệp Dow Jones lấy lại đà tăng, khi ghi thêm 423,37 điểm (3,95%) lên 11.143,31 điểm; còn chỉ số S&P 500 tăng 51,88 điểm (4,63%) lên 1.172,64 điểm, sau khi chứng khoán châu Âu đóng cửa ở mức cao hơn.

Mới đây, Thủ tướng Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi một cuộc họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm ngăn chặn tình trạng Italy và Tây Ban Nha rơi vào vỡ nợ.

Scott Marcouiller, chuyên gia thuộc Wells Fargo Advisors nhận định, triển vọng hợp tác tích cực này đã giúp xoa dịu mối lo sợ về vấn đề nợ tại châu Âu.

Ngày 11/8, Italy đã công bố các biện pháp tăng thuế đánh vào các tài khoản đầu tư và giảm phúc lợi như một biện pháp ngăn chặn nguy cơ nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ công.

Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti cho biết, Italy cần thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mạnh mẽ trong năm 2012 và 2013, trong bối cảnh tình hình khủng hoảng nợ công tại Eurozone đang ngày càng nghiêm trọng./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục