Thị trường năng lượng khởi sắc nhờ hy vọng từ Mỹ

Giá dầu châu Á tăng trở lại, giữa bối cảnh giới đầu tư đang hứng khởi chờ đợi báo cáo của Mỹ về lượng dự trữ dầu thô của nước này.
Trong phiên giao dịch ngày 24/4 tại thị trường châu Á, giá dầu bật tăng trở lại, giữa bối cảnh giới đầu tư đang hứng khởi chờ đợi báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) về lượng dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc vào ngày 19/4), cũng như diễn biến tích cực của thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Tính tới cuối buổi chiều tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 6/2013 tăng 45 xu, lên 89,63 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tiến thêm 25 xu, đóng cửa ở mức 100,56 USD/thùng.

Jason Hughes, người đứng đầu bộ phận giao dịch hàng hóa của CMC Markets, có trụ sở tại Singapore nhận định rằng báo cáo về dự trữ dầu thô của DoE, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 24/4 đã chi phối xu hướng tăng của thị trường năng lượng toàn cầu, bởi nhiều người hy vọng rằng báo cáo này sẽ mở ra một triển vọng tươi sáng hơn về nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ- nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, tình hình kinh doanh đầy lạc quan của một loạt các doanh nghiệp Mỹ trong quý 1/2013 và nhu cầu nhà ở đang có xu hướng mạnh lên của Mỹ, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu đi lên.

Đêm trước (ngày 23/4), sau khi giảm mạnh vào đầu phiên, giá dầu tại thị trường Mỹ đã phục hồi trở lại vào cuối phiên, song không đủ để ghi nhận một ngày lên giá, do các thông tin kinh tế đáng thất vọng mới đây của Trung Quốc và châu Âu.

Chốt phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2013 giảm không đáng kể 1 xu, xuống còn 89,18 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 8 xu, xuống 100,31 USD/thùng.

Ngay sau khi HSBC công bố số liệu sơ bộ cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 4/2013 do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường bên ngoài sụt giảm, giá dầu đã đồng loạt lùi sâu.

Theo HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) sơ bộ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đứng ở mức 50,5 trong tháng 4 này, giảm so với mức tương ứng 51,6 của tháng 3. Ngoài ra, một thông tin khác không kém phần u ám cũng "nhấn chìm" giá dầu, đó là kết quả một cuộc khảo sát mới nhất cho hay hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có xu hướng suy yếu trong tháng 4/2013.

Thông tin này càng khiến những hy vọng về sự phục hồi của Liên minh tiền tệ gồm 17 quốc gia này càng trở nên mù mịt. Tuy nhiên, sự khởi sắc của thị trường cổ phiếu đã giúp ngăn chặn đà giảm sâu của giá dầu và giúp mặt hàng này khép phiên gần như đứng giá so với ngày giao dịch trước đó./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục