Gom “sắc Tết” về ươm mầm

Những người thu gom “sắc Tết” về ươm mầm xuân

Khi đào, quất trong nhà bắt đầu rũ hoa, rụng quả thì nhà vườn cũng lên đường gom “chút xuân tàn” về ươm mầm xanh cho Tết tới.
Những ngày đầu xuân, khi những cây đào, quất trong mỗi gia đình đã bắt đầu rũ hoa, rụng quả thì ngoài đường phố, đội quân đi thu gom “chút xuân tàn” về ươm mầm xanh cho Tết tới lại tất tả làm ăn.

Ngoài những cây đào dáng thế cổ thụ mà chủ vườn thường cho thuê được gom lại sau Tết, thì các gốc đào thế nhỏ được mua đứt bán đoạn, khi chơi xong người dân mang bỏ ra hè phố, nay là dịp “ươm tiền” của nhiều nhà vườn.

Thu gom “sắc Tết”

Đến hẹn lại lên, cứ sau dịp Tết Nguyên Đán, anh Nguyễn Mạnh Tuấn, một người trồng đào ở làng đào Nhật Tân, (Tây Hồ-Hà Nội) lại rong ruổi khắp các ngõ ngách của thành phố Hà Nội để gom lại những gốc đào, gốc quất đã bán cho khách chơi xuân.

Anh Tuấn cho biết bắt đầu đi gom đào, quất từ ngày mồng 5 Tết. Hàng ngày, anh đánh xe máy qua các ngõ ngách, hẻm phố ở quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàn Kiếm thu gom lại những gốc đào, gốc quất về vun vén tại vườn cây của mình.

“Thường thì một gốc đào, gốc quất cũ được mua lại với giá 50-100 ngàn đồng/gốc. Từ hôm mồng bảy đến nay, mình cũng mua được gần trăm gốc đào, quất đưu về vườn để tiếp tục chăm sóc,” anh Tuấn kể.

Theo lời anh Tuấn, để có được một gốc đào, quất dáng đẹp, có giá phải chăm sóc mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Nếu chỉ chiết cành, hay nuôi gốc cũng phải mất 2-3 năm mới có một gốc đào, quất già, có giá.

“Bởi vậy, đi thu gom những gốc đào, quất sau khi người dân đã chơi hết Tết là cách hiệu quả nhất, lại đỡ mất thời gian,” anh Tuấn chia sẻ.

Cũng làm nghề săn đào sau Tết, ông Nguyễn Quang Vinh, một người có thâm niên gần 30 năm trồng đào, quất ở xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) thường bắt đầu công việc đi thu gom “chút xuân tàn” từ ngày mồng 4 Tết.

Với ông Vinh, gom nhặt đào, quất sau Tết là “cơ hội vàng” để hi vọng một năm mới thắng lợi trên phương diện chơi cây. “Năm vừa rồi đào nở sớm quá, hoa không đẹp, thành ra thua lỗ. Bởi thế, dịp này tranh thủ đi thu mua, gom nhặt lại những gốc đào về tân tạo lại, coi như bù vào năm sau,” ông chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của ông Vinh thì thời điểm gom nhặt được nhiều đào, quất nhất là sau ngày rằm. Khi đó hoa đào mới tàn hết nụ, quất rụng quả và người dân mới đồng loạt mang bỏ ra đường.

Tuy nhiên, vì muốn tận dụng những gốc đào, gốc quất đã rũ hoa, rụng quả mà không ít gia đình muốn bỏ sớm nên ông Vịnh cùng nhiều nhà vườn ở Tây Tựu, cũng như nhiều nhà vườn ở Văn Giang (Hưng Yên), Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) đã tranh thủ đi thu mua, gom nhặt sớm hơn.

“Dù rằng, đối với người chơi cây Tết, những gốc đào, gốc quất đó có thể không có giá trị, nhưng với những người làm vườn như tôi thì nhặt lại, thậm chí thu mua lại được một gốc đào đẹp với giá rẻ, sẽ là cơ hội bù lỗ, để ‘hái tiền’ vào dịp Tết tới,” ông Vinh nói.
 
Ươm mầm “xuân”

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, một người có thâm niên gần 20 năm trồng đào ở phường Nhật Tân (Tây Hồ-Hà Nội) thì để một gốc đào, quất đã “xuân tàn” sau nửa tháng trời bị bứng khỏi đất và có thể bán được tiền triệu vào dịp Tết năm sau, đấy là cả một bí quyết riêng của người trồng và chơi cây.

“Thông thường thì những gốc đào, gốc quất thu gom về được trồng lại, việc chăm sóc, cắt tỉa không tốn nhiều công sức vì các cây đều có dáng, thế sẵn. Mặt khác, số tiền bỏ ra để mua lại gốc đào, quất tuy không lớn, song độ rủi ro lại cao, bởi quất thường bị khô héo cả tháng trời,” ông Hùng chia sẻ.

Đối với cây đào, vì vốn quen được các chủ vườn chăm bón, uốn nắn kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhiều người dân mua về chơi Tết thường không biết chăm sóc nên sau Tết cây thường héo úa, gãy cành. Thậm chí nhiều người không biết cách giữ cây, đổ nước nóng vào gốc, không tưới khiến cây bị tổn hại, rất khó phục hồi.

“Bởi vậy, sau khi những gốc đào, quất được đưa về vườn, công đoạn đầu tiên là phải ủ dưỡng cho rễ cây. Theo đó, mỗi gốc đào, quất sẽ được “hồi sức” bằng cách để trong bóng mát, tưới ẩm và sau vài ba ngày mới đem ra trồng. Sau vài tuần đợi cây “hồi sức” mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành,” ông Hùng thật thà mách.

Riêng đối với cây quất, sau khi gom về phải vặt quả, tỉa lá, tiếp nước cho cây, sau đó mới hạ đất. Cùng với đó cần phải thường xuyên tưới nước, bón phân khoáng. Việc tạo thế, tạo tán, cắt tỉa phải dùng dao, kéo chuyên dùng, tiến hành vào những ngày nắng ráo.

Cũng theo ông Hùng thì tất cả những gốc đào, quất thu gom về sẽ phải củng cố lại tán cây, hoặc phát triển tạo thế cây mới đẹp hơn.

“Tuy nhiên, để có thể tạo được vóc dáng mới từ thân cây cũ thì người chơi cây phải hiểu biết về nghệ thuật chơi cây cơ bản. Từ gốc cây cũ, nhà vườn có thể tận dụng để tạo dáng cho đẹp. Việc thu gom gốc đào quất sẽ được tiến hành đến hết tháng Giêng,” ông Hùng chốt lại./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục