Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU đạt kết quả khiêm tốn

Lãnh đạo Nga và EU đã thảo luận hợp tác nhằm tiến tới áp dụng quy chế miễn thị thực nhập cảnh và triển vọng Nga gia nhập WTO.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 27 đã bế mạc ngày 10/6 tại thành phố Nizhegorod ở miền Tây nước Nga với những kết quả khiêm tốn.

Các nhà lãnh đạo Nga và EU đã thảo luận sự hợp tác giữa hai bên nhằm tiến tới áp dụng quy chế miễn thị thực nhập cảnh; hợp tác năng lượng và triển vọng Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận việc Nga cấm nhập khẩu rau quả từ các nước EU và cuộc xung đột tại Libya.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi bế mạc hội nghị, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đều xác nhận thông tin Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ EU trên cơ sở nhận được bảo đảm về an toàn thực phẩm từ các cơ quan EU liên quan.

Trước đó, ngày 2/6, Nga - thị trường lớn nhất đối với rau quả xuất khẩu của EU, đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ tất cả các nước thành viên EU do lo ngại dịch nhiễm khuẩn E.coli đang hoành hành tại nhiều quốc gia châu Âu, sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng Nga.

Các quan chức EU cho rằng, lệnh cấm của Nga đã đi ngược lại những quy tắc của WTO trong bối cảnh Mátxcơva đang đàm phán để gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này và EU là một trong những đối tác đàm phán khó khăn nhất của Mátxcơva.

Tại hội nghị, Tổng thống Medvedev bày tỏ hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng kết thúc thành công vòng đàm phán WTO.

Ông kêu gọi các đối tác của Nga tại châu Âu kết thúc các cuộc đàm phán trong vòng một tháng để tạo điều kiện cho Nga gia nhập WTO vào cuối năm nay. Đáp lại, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định, EU sẽ không ngăn cản Nga gia nhập WTO.

Ngoài ra, hội nghị cũng đã thảo luận vấn đề áp dụng miễn thị thực nhập cảnh và hợp tác năng lượng. Mátxcơva và EU đã nhất trí vào cuối tháng Bảy tới sẽ hoạch định xong lịch trình hai bên bắt đầu áp dụng quy chế miễn thị thực song phương.

Về cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya, hai bên bày tỏ quan điểm nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nên rời bỏ quyền lực để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục