"Thách thức số một của Việt Nam là cơ sở hạ tầng"

"Thách thức số 1 của Việt Nam là thiếu hụt hạ tầng cơ sở," Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda nhận định.
Nhân chuyến thăm và dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda đã dành cho phóng viên Vietnam+ một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng, với những nhận định về sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh vận động không ngừng của khu vực và thế giới.

- Trong báo cáo mới nhất về tình hình châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng, ADB đã lạc quan hơn khi đưa ra các mức dự báo về tăng trưởng cũng như lạm phát của Việt Nam. Phải chăng, theo ông, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc thực thi các chính sách về kinh tế-xã hội?

Chủ tịch Haruhiko Kuroda: Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á năm 2010 công bố vào tháng Chín vừa qua, chúng tôi đã dự kiến mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2010 là 6,7% và trong 2011 là ở mức 7% và mức lạm phát trong hai năm lần lượt là 8,5% và 7,5%.

Việt Nam đã đối phó tốt với khủng hoảng kinh tế thông qua gói kích thích kinh tế quan trọng. Chúng tôi xin chúc mừng Việt Nam đã hoàn tất thành công việc sử dụng gói kích thích từ đầu năm 2010. Trong khi mức tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm còn thấp, nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục trong quý thứ hai trên cơ sở phát triển ổn định và bền vững.

Tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

- Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, mối quan ngại lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là gì?


Chủ tịch
Haruhiko Kuroda: Theo tôi, thách thức số 1 của Việt Nam là thiếu hụt hạ tầng cơ sở, mặc dù Việt Nam trong thời gian gần đây đã xây dựng và nâng cấp nhiều đường cao tốc, tuyến đường sắt, đường bộ, đường hàng không và cảng biển.

Vì vậy, trong 5-10 năm tới, hạ tầng cơ sở ở Việt Nam cần phải được cải thiện mạnh mẽ.

Nếu có nhiều trường học, bệnh viện, giao thông phát triển, người dân sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng.

Việt Nam đang đứng trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Tôi chắc rằng mục tiêu thu nhập của Việt Nam sẽ tăng lên.

Tuy nhiên có một thực tế là có nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Mỹ, không vượt qua được ngưỡng “thu nhập trung bình.”

Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình và đó là một kết quả đáng khích lệ. Nhưng để phát triển hơn nữa thực sự là một thử thách đối Việt Nam.

Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề và cải cách kinh tế để ngày càng phát triển và trong tương lai sẽ là một nước có thu nhập cao.

Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước thu nhập cao, nhưng vẫn còn nhiều thử thách đòi hỏi Chính phủ cần phải nỗ lực.

Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia châu Á khác, ví dụ như học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc phát triển hạ tầng cơ sở và của Ấn Độ trong việc phát triển khu vực dịch vụ.

- Ngoài vấn đề hạ tầng, theo ông Việt Nam còn cần phải quan tâm đến những vấn đề gì để có thể phát triển kinh tế một cách bền vững? Ông có cho rằng nợ công của Việt Nam đã ở mức đáng lo ngại?

Chủ tịch Haruhiko Kuroda: Một trong những vấn đề mà Việt Nam cũng cần quan tâm là quản trị doanh nghiệp. Điều trọng yếu là tập trung quản trị doanh nghiệp tốt hơn thông qua quản lý minh bạch các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường cạnh tranh trong nền kinh tế nội địa.

Về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, điều đặc biệt quan trọng là tập trung xóa bỏ xung đột lợi ích.

Thậm chí, khi một doanh nghiệp nhà nước bị chia nhỏ ra và một số lượng “các công ty cổ phần” được hình thành, nếu việc kiểm soát quản lý và xung đột vẫn còn tồn tại thì chúng ta không thể trông đợi sự cải tổ quản trị có thể mang đến hiệu quả.

Như vậy, sự minh bạch, cải thiện quản lý tập thể, xóa bỏ xung đột lợi ích và biến chúng thành sự cạnh tranh sẽ là những giải pháp trọng yếu để thúc đẩy hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Về vấn đề nợ công, tôi cho rằng, so với thế giới, nợ công của Việt Nam không thật sự cao hơn các nước khác. Nhìn từ góc độ khả năng chịu nợ thì mức độ nợ công hiện nay vẫn chưa thật sự là mối lo ngại, đặc biệt là khi một phần lớn nợ công là từ nguồn vốn ODA.

Điều quan trọng là làm thế nào để đảm bảo sự quản lý tài chính hợp lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính. Ở giai đoạn này, củng cố hệ thống tài chính là thiết yếu để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt khi những vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước và thu mua công gây ra nhiều bất cập.

- Vậy với vai trò là nhà tài trợ đắc lực cho các quốc gia đang phát triển, ADB sẽ có những hỗ trợ cụ thể gì cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo? Những lĩnh vực nào mà ADB sẽ chú trọng hỗ trợ?


Chủ tịch Haruhiko Kuroda: Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ hỗ trợ Việt Nam không chỉ bằng cách tài trợ cho những dự án phát triển mà còn cung cấp những tư vấn chính sách cần thiết và khả năng hỗ trợ phù hợp với khung chiến lược dài hạn của ADB, chiến lược đến năm 2020.

Tôi có thể khẳng định rằng sự giúp đỡ của ADB sẽ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ tập trung hỗ trợ Chính phủ đối phó với những thách thức đang nổi lên ở một nước mới có thu nhập trung bình, và để tránh được “những cạm bẫy đối với quốc gia thu nhập trung bình” nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành thành một quốc gia có giá trị công nghiệp cao và hiệu quả vào năm 2020.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất hân hạnh khi Việt Nam đảm nhận chủ tọa Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội vào tháng Năm năm sau. Tôi rất vui mừng khi thấy những quy trình chuẩn bị cho hội nghị đang tiến triển tốt cũng như những tiến bộ rất nhanh trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tôi cho rằng Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tại Hà Nội sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện cho các đại biểu quốc tế biết nền kinh tế của đất nước các bạn phát triển như thế nào.

- Xin cảm ơn ông./.

Chi-Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục