Chuẩn bị tốt cho kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Dự kiến, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII có tổng thời gian làm việc là 25 ngày, trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/10.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí


Theo báo cáo của Chính phủ, sáu tháng đầu năm 2012, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa giải ngân, thanh toán với số tiền khoảng trên 371 tỷ đồng.

Các cơ quan thanh tra nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 3.529 tỷ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm chế độ quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán 9.727 dự án hoàn thành trong cả nước, các khoản chi phí sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã được cắt giảm, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 803,89 tỷ đồng...

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 và cho rằng trong năm 2012, cùng với quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực; ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của mọi tầng lớp nhân dân cao hơn, ngân sách nhà nước từng bước được quản lý, sử dụng chặt chẽ và có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách, báo cáo của Chính phủ về thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 cần làm nổi bật hơn nữa những mặt tích cực, cũng như những tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân trong từng lĩnh vực, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giải pháp khắc phục. Cụ thể như những hạn chế trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; lãng phí, thất thoát trong đầu tư công; lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tình trạng sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại...

Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện thêm Báo cáo theo hướng bám sát hơn những quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, có số liệu so sánh so với những năm trước; phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm; đề ra giải pháp cụ thể, sát thực tế. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong cơ quan nhà nước, bố trí biên chế, chất lượng tuyển dụng, sắp xếp công việc; vấn đề quản lý ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công...

Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư công, mua sắm công là “mảnh đất màu mỡ” dễ bị lợi dụng để cơ hội, tham nhũng. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản còn lộn xộn, tận thu, tận diệt, chưa bảo vệ tốt môi trường... đang là những vấn đề cần quan tâm trong thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ hơn kết quả xử lý cụ thể đối với số kiến nghị thu hồi do vi phạm chế độ quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật này và sửa đổi, bổ sung, ban hành một số Luật liên quan, trong đó, quy định rõ những nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí và có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục, đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, tập trung rà soát lại bộ máy quản lý nhà nước; phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; sửa đổi một số cơ chế, định mức chi tiêu...

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 22/10

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 25 ngày (chưa kể các ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/11/2012.

Mặc dù là kỳ họp cuối năm nhưng công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 4 tương đối nhiều. Trong số các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, đến nay, đã có 5 dự án gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Các dự án còn lại đang được tích cực tiếp thu, chỉnh lý để gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh những nội dung thông lệ như: Phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn, tại kỳ họp này, một số nội dung quan trọng cũng sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp: thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, số lượng các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 nhiều hơn so với kỳ họp thứ 3, nhưng thời gian tiến hành kỳ họp chỉ trong khoảng 1 tháng, nên dự kiến chương trình kỳ họp sẽ bố trí theo hướng ghép thảo luận chung một số nội dung. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được bố trí trong 2,5 ngày, trong đó có phần báo cáo về việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.

Thảo luận nội dung này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng và bối cảnh diễn ra kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Đây là kỳ họp có nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp, cần được tập trung thảo luận thấu đáo với thời gian hợp lý như: dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn ; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; các dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật việc làm...

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần xác định rõ bối cảnh, tầm quan trọng và trọng tâm của kỳ họp để sắp xếp, bố trí thời gian thảo luận hợp lý, gắn kết được các nội dung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm dành nhiều thời gian thảo luận đồng thời lưu ý các cơ quan sớm hoàn thiện, gửi các báo cáo, tài liệu để đại biểu có thời gian nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng tổng hợp, báo cáo tiếp thu, giải trình; tăng cường phối hợp nhuần nhuyễn trong hoạt động của Đoàn thư ký với các ủy ban, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục