Những thách thức trong an sinh xã hội ở Đông Nam Á

Các đại biểu đến từ các nước Đông Nam Á đã cùng thảo luận về những thách thức hiện tại trong lĩnh vực an sinh xã hội trong khu vực.
Ngày 6/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị khu vực về an sinh xã hội.

Hội nghị nhằm tạo diễn đàn thảo luận giữa các nhà quản lý, lãnh đạo cấp cao tới từ các cơ quan phụ trách vấn đề an sinh xã hội ở cấp bộ, các tổ chức/cơ quan bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí, cũng như các viện nghiên cứu từ các nước Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam, về những thách thức hiện tại trong lĩnh vực an sinh xã hội tại Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng hướng tới mục tiêu cải thiện mạng lưới chuyên gia giữa các nước Đông Nam Á với các chuyên gia và các nhà quản lý từ Đức, bằng việc tạo ra một diễn đàn đối thoại liên ngành.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, đảm bảo an sinh xã hội luôn là chủ trương, định hướng lớn của Việt Nam. Việt Nam đã và đang triển khai một hệ thống chính sách, chương trình nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân thông qua cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh, lương thực, nhà ở, pháp lý và cứu trợ xã hội.

Hiện Việt Nam có hơn 40 chính sách và chương trình bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, trong đó tập trung ưu tiên cho nhóm dễ bị tổn thương (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật...).

Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và thay đổi dân số trên toàn thế giới, sự hoạt động hiệu quả, bền vững của các hệ thống an sinh xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Những thay đổi toàn cầu và sự tăng trưởng kinh tế một mặt đã tạo ra nhiều cơ hội, kể cả cho những nhóm dân số nghèo, mặt khác cũng tạo nên những bất bình đẳng trong xã hội và giữa các nước khác nhau.

Từ năm 2007, BMZ và GIZ đã triển khai chương trình đào tạo về chủ đề an sinh xã hội cho các cán bộ chuyên môn, lãnh đạo trẻ từ bốn nước Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Philippines.

Chương trình đã góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ, hỗ trợ công tác hoạch định và xây dựng chính sách, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của các nước.

Tại hội nghị, các học viên của Chương trình đào tạo cũng tham gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, trên cơ sở đó vận dụng kinh nghiệm quý báu vào thực tiễn công tác tại đơn vị, góp phần thúc đẩy công tác an sinh xã hội cấp quốc gia và khu vực.

Các đại biểu cho rằng các hệ thống an sinh xã hội hiện tại cũng như các cơ quan hữu quan có liên quan tới lĩnh vực an sinh xã hội tại Việt Nam cần được tăng cường năng lực về mặt tổ chức và thể chế.

Ngoài ra, các tổ chức đào tạo Việt Nam cũng cần được tăng cường năng lực để có thể đáp ứng một cách chuyên nghiệp nhu cầu đào tạo về nội dung an sinh xã hội ở trong nước và khu vực.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục