Điền kinh trước giờ G: Phá dớp quá tam 3 bận?

Ba kỳ SEA Games gần đây, điền kinh đều 8 huy chương vàng, "quá tam ba bận", liệu các VĐV Việt Nam có phá được dớp tại SEA Games 25?
Ở kỳ SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đoạt 8 huy chương vàng, hơn toàn bộ thành tích điền kinh nước nhà ở các kỳ SEA Games trước cộng lại.

Như đã “quy hoạch”, cả 2 kỳ SEA Games tiếp đó con số 8 huy chương vàng tiếp tục vận vào với điền kinh Việt Nam. SEA Games 25, quá tam ba bận, liệu thầy trò ông Dương Đức Thủy (Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục thể thao) có phá được dớp?

Việt Nam đang ở đâu?

Cũng như bóng đá, để đào tạo nên một vận động viên điền kinh hội đủ các tố chất không dễ dàng chút nào. Thay thế những biểu tượng càng nan giải. Thế nên, không lạ gì khi vài ba kỳ SEA Games niềm hy vọng cơ bản vẫn đổ dồn vào những gương mặt cũ.

Nếu nhìn sang Thái Lan, thì rõ ràng điền kinh Việt Nam phát triển vẫn còn chậm, chưa có sự đột phá về nhân tố mới, về tính chuyên nghiệp hóa và tư duy “tấn công” ra nhiều nội dung khác. SEA Games 24, Thái Lan thi đấu cả 45 nội dung còn Việt Nam chưa được nửa. Năm nay Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở 23/45 nội dung.

Đặc biệt là chính sách đãi ngộ. Hôm thi đấu tại AIG 3, Vũ Thị Hương bật mí rằng không ít lần các quan chức điền kinh Thái Lan đề nghị Hương nhập quốc tịch Thái Lan để thi đấu cho họ, với lương thưởng cao ngất. Một tín hiệu mừng khi điền kinh Việt Nam vừa được Đức giúp đỡ ở các lĩnh vực cải cách hệ thống đào tạo điền kinh, trang bị một số trang thiết bị cho Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và khoản tài chính khoảng 10.000 euro/năm.

Điền kinh Việt Nam sẽ có điểm tựa để bay lên? Đấy là chuyện của tương lai, còn trước mắt ở lần tranh tài này, Việt Nam không dễ dàng để chinh phục thành tích cũ.

Dù xếp thứ nhì ở SEA Games 24, nhưng 2 năm điền kinh của Việt Nam đã có những biến động theo chiều hướng bất lợi. Thế nên, để bảo vệ ngôi hậu, trước sự “lăm le” lật đổ của Malaysia, Philippines và Indonesia là một sứ mệnh không dễ.

Hôm tham vấn ông Dương Đức Thủy, nghe ông đánh giá rất thật: “Đây là giai đoạn rất nhiều biểu tượng của điền kinh Việt Nam chững lại, hoặc có tuổi như Lê Thị Phương (nhảy sào), Bùi Thị Hiền (chạy 3.000m), Nguyễn Thị Thu Cúc (5 môn phối hợp) hay Bùi Thị Nhung (nhảy cao). Lứa kế cận thì chưa chứng tỏ được nhiều”.

Mới đây (tại AIG 3), Nhung chỉ vượt qua mức xà 1m80, cách xa thành tích cao nhất 1m94 mà cô từng lập tại Thái Lan năm 2005. Trong khi đó, hai vận động viên Thái Lan chinh phục mức xà 1m93 và 1m91 là một sự tương phản rõ rệt cho gánh nặng tuổi tác của Nhung. Còn Duy Bằng cũng gây thất vọng não nề.

Những hy vọng từ vàng... cũ

Không ai khác, những gương mặt cũ như Vũ Thị Hương (chạy 100m và 200m), Trương Thanh Hằng (chạy 800m và 1500m), Nguyễn Đình Cương (chạy 800m và 1500m) và Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp), vẫn là những hy vọng vàng. Ở hai nội dung 100m và 200m nữ, Vũ Thị Hương theo nhận xét của ông Đức Thủy, sẽ “vô đối”.

Tấm huy chương vàng phá kỷ lục 60m tại AIG 3, đã khiến tên tuổi của Hương tiếp tục làm “khiếp đảm” các đối thủ trong khu vực. Vũ Thị Hương dù xuất phát chậm, nhưng bù lại, sự bứt phá, sức rướn của cô những 20m cuối là điểm cực mạnh. Đấy là chưa kể bản lĩnh của cô gái Thái Nguyên thì tuyệt vời.

So với đồng đội, Trương Thanh Hằng vẫn chưa chinh phục hẳn niềm tin của giới chuyên môn. Có lẽ do chút “gợn” ở cự ly 1500m hỏng ăn ở AIG 3. Nếu điểm rơi phong độ của Hằng nhằm SEA Games 25, khả năng bảo vệ thành công hai tấm huy chương vàng nội dung sở trường 800m và 1.500m nữ vẫn mở rộng.

Nguyễn Đình Cương cũng gây chút băn khoăn, khi thời gian gần đây phong độ anh đi xuống. Tuy vậy, cả Cương lẫn Hằng có lợi thế không phải ai cũng may mắn, đấy là sư phụ-cô Hồ Thị Từ Tâm, là “quái kiệt” trong việc căn chỉnh chiến thuật, các liệu pháp tâm lý giúp cho học trò vượt lên chính mình.

Hy vọng tiếp theo dồn vào đương kim vô địch SEA Games 24 Vũ Văn Huyện, ở nội dung 7 môn phối hợp nam. Ở giải đấu phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trong châu lục (AIG3), phải ngày thi đấu cuối cùng Huyện mới có những cuộc bứt phá ngoạn mục để mang về tấm huy chương đồng. Đặc biệt, anh đã phá kỷ lục quốc gia nội dung nhảy sào với thành tích 4m70 tại giải Vô địch quốc gia 2009. Nói thế để thấy, ý chí, sức bền vẫn còn nguyên vẹn ở chàng trai này.

Thực ra, đây không phải là kỳ Đại hội duy nhất lãnh đạo điền kinh Việt Nam đều khiêm tốn hạ chỉ tiêu từ 5-6 huy chương vàng, mà 2 lần trước cũng vậy. Điều đó không phải do “thủ thế”, mà xuất phát từ “biết mình biết ta” của bộ môn này.

Cho dù vậy thì điền kinh vẫn là mỏ vàng của thể thao Việt Nam. Chúc cho quân ông “Thủy điền kinh” tiếp tục ca khúc khải hoàn trong hoàn cảnh không quá vượng. Vượt thành tích 8 huy chương vàng 3 kỳ SEA Games liên tiếp càng vĩ đại!

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục