Giám sát thực hiện ban hành văn bản pháp luật

Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết về ban hành văn bản pháp luật.
Chiều 15/12, tại Phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Đánh giá về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đại biểu đều đồng tình cho rằng báo cáo đã phản ánh đúng thực tế những mặt được và chưa được trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thời gian qua đã đạt được những kết quả khích lệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tạo môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, tình trạng chậm ban hành và nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Văn Tú và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể khẳng định nhiều dự án luật đi vào cuộc sống rất “vất vả”, nảy sinh nhiều bất cập do nhận thức về xây dựng pháp luật chưa đầy đủ, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức chưa cao, thời gian chuẩn bị một dự án luật ngắn, thiếu sự tham khảo.

Do vậy, cần coi công tác xây dựng pháp luật là hoạt động hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và là một trong những chức năng quan trọng, cơ bản của bộ máy Nhà nước.

Đối với các kiến nghị của Ủy ban Pháp luật về đổi mới cách thức tổ chức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng của các ban soạn thảo, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; chưa thông qua những dự án, dự thảo văn bản không đảm bảo chất lượng, tiến độ hoặc quá nhiều nội dung chung chung phải chờ hướng dẫn, hủy bỏ các văn bản quy định chi tiết có nội dung “ủy quyền tiếp” ban hành sau ngày 1/1/2009, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều biểu thị sự nhất trí cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng việc kiểm tra, rà soát và giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên của Ủy ban Pháp luật và các ngành chức năng. Công việc giám sát không chỉ dừng lại ở Ủy ban Pháp luật mà trách nhiệm của tất cả các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Ủy ban Pháp luật nghiên cứu thêm để có thông tin đánh giá cụ thể về tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản hướng dẫn.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định cần sớm đổi mới cách thức tổ chức của cơ quan soạn thảo, tránh kiểu khoán trắng cho cơ quan chủ trì; các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền về nội dung, hình thức, ban hành sau 1/1/2009 không được coi là văn bản quy phạm pháp luật, cần hủy bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục