Đồng loạt giảm điểm

Chứng khoán châu Á lại đồng loạt bị giảm điểm

Chứng khoán đi xuống khi châu Âu không đưa ra kế hoạch giải quyết nợ công, trong khi trì hoãn việc giải ngân khoản vay cho Ai Cập.
Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch ngày 19/9, khi cuộc họp cuối tuần qua của các bộ trưởng tài chính châu Âu không đưa ra được một kế hoạch để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực, trong khi trì hoãn quyết định giải ngân khoản vay tiếp theo trong gói cứu trợ đầu tiên dành cho Hy Lạp.

Những điều này làm gia tăng lo ngại về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính tài cầu, khiến các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,4%, hướng trở lại mức thấp trong phiên giao dịch một tuần trước. Chỉ số này đã giảm tới 21% từ mức cao trong năm đạt được hồi tháng Tư. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 537,36 điểm, hay 2,76%, xuống 18.917,95 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 44,55 điểm, hay 1,79%, xuống 2.437,8 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 67,9 điểm, hay 1,64%, xuống 4.081,5 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 96,52 điểm, hay 1,27%, xuống 7.480,88 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 19,16 điểm, hay 1,04%, xuống 1.820,94 điểm.

Tại cuộc họp cuối tuần qua, các bộ trưởng tài chính châu Âu nhất trí trì hoãn quyết định về khoản vay trị giá 8 tỷ euro (11 tỷ USD) dành cho Hy Lạp cho tới tháng 10.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos có cuộc gặp các thanh tra của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày 19/9 để thuyết phục họ rằng Athens có thể thực hiện được nghĩa vụ giảm thâm hụt ngân sách.

Khi khoản vay tiếp theo dành cho Hy Lạp vẫn chưa có gì là chắc chắn, thị trường lại một lần nữa lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của nước này, với khả năng xảy ra là 65% theo khảo sát mới đây của Reuters đối với hơn 50 nhà kinh tế. Thêm vào đó, các thị trường ngày càng lo ngại Italy sẽ theo gót Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cần tới các khoản cứu trợ để đối phó với gánh nặng nợ cũng không hề nhỏ.

Nhiều con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này, với hy vọng FED sẽ thông báo về các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Trong ngày 19/9, Tổng thống Barack Obama sẽ thông báo các kế hoạch để cắt giảm thâm hụt ngân sách hơn 3 tỷ USD trong 10 năm, với một nửa số này đến từ việc đánh thuế cao đối với người giàu và các tập đoàn lớn. Những tranh cãi trong Quốc hội Mỹ về giải pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách và tạo việc làm có thể lại dẫn đến một sự bế tắc, điều đã khiến các nhà đầu tư hoang mang và nước Mỹ bị hạ xếp hạng tín dụng hồi tháng Tám.

Chứng khoán toàn cầu liên tục lặn ngụp kể từ cuối tháng Bảy trước lo ngại kép về nguy cơ tái suy thoái của kinh tế Mỹ và khủng hoảng nợ công tại châu Âu mà nhiều người cho rằng sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục