Virus cúm H7N9 - Thông tin và cách phòng tránh

Thông tin về việc nhiều trường hợp nhiễm và tử vong tại Trung Quốc do một loại virus cúm mới mang tên H7N9 được xác định là  do lây nhiễm từ động vật sang người đã khiến không ít người dân lo lắng. Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã giải đáp một số thắc mắc về loại virus H7N9, độc tính cũng như cách thức lây truyền virus này. Những khuyến cáo nhằm giúp người dân có các biện pháp phòng chống bệnh cúm kịp thời, tránh để tình trạng bệnh nặng, cũng đã được đưa ra.
Gần đây, trước thông tin về việc nhiều trường hợp nhiễm và tử vong do một loại virus cúm mới mang tên H7N9 đã khiến không ít người dân lo lắng.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xung quanh những thắc mắc về loại virus H7N9.

-Tại Trung Quốc hiện nay đã có nhiều trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm H7N9 được xác định là  do lây nhiễm từ động vật sang người. Xin ông cho biết những nhận định ban đầu về virus cúm H7N9 này?


Ông Nguyễn Trần Hiển:
Theo tôi biết,  Bộ Y tế Trung Quốc đã thông báo có một số trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người. Đây là những trường hợp lần đầu tiên xảy ra ở người.

Virus cúm H7N9 này lưu hành ở các đàn gia cầm, trước đây thường gây bệnh nhẹ ở người. Còn H7N9 chưa từng xuất hiện ở người bao giờ và các nhóm virus cúm A/H7 thường gây bệnh nhẹ ở người với hội chứng cúm và viêm kết mạc.

Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Trung Quốc có 2 trường hợp tử vong là một điều đáng lo ngại với cả Việt Nam.

-Ông có thể phân tích rõ hơn về những độc tính của virus cúm H7N9?


Ông Nguyễn Trần Hiển: Theo số liệu mới báo cáo mới nhất mà tôi được biết có 7 ca nhiễm virus cúm này và đã có ca tử vong. Hiện nay, còn quá sớm để nói độc tính của virus như thế nào vì số trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 mới chỉ xảy ra ở rất ít cá thể.

Vì vậy, để theo dõi virus này thì ngành y tế đòi hỏi phải tiếp tục giám sát hơn nữa mới khẳng định độc tính của virus này như thế nào. Đây cũng là một điều cảnh báo đáng lo ngại vì virus này ở động vật nhưng lại gây ra tử vong cho con người.

Tuy virus này chưa có biểu hiện lan sang từ người sang người nhưng nó là sự cảnh báo của sự biến chủng virus cúm gia cầm lây lan một cách đáng lo ngại nhất hiện nay. Vì tính biến dị, biến chủng của virus cúm ở gia cầm nói riêng và ở người nói chung. Do đó chúng ta phải giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân hoặc những chùm ca bệnh viêm phổi nặng để cơ quan chức năng có thể phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp cúm H7N9 ở người.

-Như ông cho biết, tại Trung Quốc đã có vài trường hợp tử vong do virus cúm H7N9. Vậy theo ông nguyên nhân và cách thức lây truyền virus này từ động vật sang người như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Hiển:
Báo cáo gần đây nhất cho thấy đã có 7 trường hợp nhiễm virus H7N9 ở Trung Quốc và có 3 trường hợp tử vong. Điều đó cho thấy tỷ lệ tử vong của người nhiễm virus H7N9 khá cao.

Tuy nhiên vì số lượng bệnh nhân hiện nay vẫn còn quá ít, chưa đủ để nói độ nặng của nó như thế nào và cơ quan chức năng cần phải có những bước giám sát tiếp theo.

Đến giờ phút này, những cơ quan quản lý vẫn chưa tìm ra nguồn gốc, cách thức nhiễm cúm H7N9 từ động vật sang người là do đâu là lây truyền theo con đường nào. Để có được những câu trả lời đó thì đòi hỏi ngành y tế những nghiên cứu phải rộng và sâu hơn.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cập nhập các thông tin bổ sung để có thông tin đa chiều hơn về độc tính cũng như cách lây truyền của dịch bệnh.

-Nhiều người dân hiện nay lo ngại về việc nhiều trường hợp nhiễm virus cúm H7N9 có thể truyền virus sang những người khác. Xin ông cho biết virus này có thể biến dị để lây từ người sang người không?


Ông Nguyễn Trần Hiển:  Tôi khẳng định rằng, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng về việc chủng virus cúm H7N9 lây truyền từ người sang người.

[Lo ngại nguy cơ H7N9 biến dị lây từ người sang người]


-Hiện nay, có nhiều loại dịch cúm lưu hành ở Việt Nam. Xin ông cho biết những đánh giá về dịch cúm tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Trần Hiển: Năm 2012, kết quả giám sát cúm ở Việt Nam cho thấy virus cúm lưu hành chủ yếu là cúm A/H3N2 và cúm B. Gần đây lưu hành có thay đổi một chút là lưu hành cùng một lúc cúm B và cúm A/H1N1 đại dịch và cúm mùa thông thường trong vài năm gần đây.

-Vậy ông có thể đưa ra những khuyến cáo để người dân có các biện pháp phòng chống bệnh cúm kịp thời, tránh để tình trạng bệnh nặng?


Ông Nguyễn Trần Hiển: Bệnh cúm lây theo đường hô hấp. Công tác phòng chống bệnh cúm kinh điển từ cúm đại dịch mới corona la hay cúm khác thông thường ở người thì biện pháp quan trọng đầu tiên người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính.

Thứ ba là người dân cần thường xuyên mở cửa để thông thoáng phòng, lau chùi những vật dụng trong nhà bằng những chất sát khuẩn, xà phòng thông thường. Bên cạnh đó người dân cần tăng cường nâng cao thể trạng, khi tiếp xúc với nơi đông người và nơi xảy ra dịch người mắc bệnh hô hấp cấp tính thì nên đeo khẩu trang.

Đặc biệt, những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở mà không rõ nguyên nhân thì người dân nên cho các trường hợp đến viện sớm để được chẩn đoán, phát hiện sớm và được điều trị kịp thời./.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục