Hợp tác nâng cao nhận thức về bản quyền tác giả

Theo chuyên gia WIPO, trong môi trường quyền tác giả tốt, quyền tác giả sẽ trở thành tài sản có giá trị, mang lại danh tiếng và tiền bạc.
Ngày 13/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Ban Phát triển bản quyền (WIPO) thuộc Liên hiệp quốc và Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc gia về nhận thức quyền tác giả và xuất bản sách bản quyền.

Tiến sỹ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết mặc dù hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường nhưng thời gian qua tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực từ báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu cho đến các lĩnh vực ghi âm, tín hiệu vệ tinh…, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng đã phải đưa tòa yêu cầu được xử lý.

Từ thực tế này, Hội thảo được tổ chức nhằm trang bị kiến thức để nâng cao khả năng tuyên truyền về nhận thức bản quyền đối với xuất bản sách, từ đó mới có thể thực hiện tốt Luật Bản quyền.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Ban Phát triển quyền tác giả của WIPO đã trình bày tầm quan trọng của việc giáo dục về quyền tác giả và quyền liên quan cho sự tăng trưởng và phát triển hệ thống quyền tác giả tại các nước phát triển; hỗ trợ kỹ thuật của WIPO về quyền tác giả và quyền liên quan cho các nước thành viên.

Các chuyên gia của Việt Nam trình bày chuyên đề nhận thức về quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam, ngoài ra các chuyên gia thảo luận về dịch và xuất bản sách giáo dục về quyền tác giả sang tiếng Việt.

Theo các chuyên gia của WIPO, trong môi trường quyền tác giả tốt, quyền tác giả sẽ trở thành tài sản có giá trị, mang lại danh tiếng và tiền bạc; khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho thương mại phát triển; tạo điều kiện cho xuất khẩu, giảm nhập khẩu và tạo nguồn thu cho Chính phủ.

Để nâng cao nhận thức về quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam, thạc sỹ Hoàng Thị Thanh Hoa (Cục Bản quyền tác giả Việt Nam) cho biết Nhà nước cần đa dạng hóa hình thức giáo dục về quyền này, mở rộng đối tượng tiếp cận, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong đó điều cần thiết là phải trang bị kiến thức phù hợp với từng đối tượng bằng nhiều hình thức, đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ phụ trách quyền tác giả và quyền liên quan./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục