Các tổ chức nước ngoài tài trợ tại Thừa Thiên-Huế

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tiếp nhận dự án "Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên - Huế" do Cộng hòa Séc tài trợ.
Ngày 27/4, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Ngọc Khanh cho biết tỉnh vừa tiếp nhận dự án "Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên-Huế" do Cộng hòa Séc tài trợ.

Dự án đầu tư xây dựng hơn 700 công trình khí sinh học cho các hộ nông dân có thu nhập thấp tại huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà, với tổng nguồn vốn đầu tư là 525.445 USD (tương đương 10,9 tỷ đồng Việt Nam), thời gian thực hiện từ nay đến năm 2013.

Ngoài việc xây dựng công trình khí sinh học, dự án còn tập trung phổ biến thông tin cho người dân về quản lý nguồn phân chuồng hiệu quả, ứng dụng phụ phẩm khí sinh học cho sản xuất nông nghiệp, duy trì bảo dưỡng và vận hành các công trình khí sinh học.

Dự án tổ chức tập huấn về xây dựng, bảo trì và quản lý hầm khí sinh học, nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính do sự phân hủy chất hữu cơ ngoài tự nhiên; hạn chế nạn phá rừng nhờ sử dụng khí sinh học thay thế cho củi gỗ; cung cấp nguồn năng lượng tái tạo sạch và sử dụng khí sinh học ngay tại các hộ gia đình; tạo ra nguồn phụ phẩm sạch từ khí sinh học cho sản xuất nông nghiệp an toàn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, dự án còn giúp xây dựng thử nghiệm hai công trình điện mặt trời quy mô nhỏ, phổ biến thông tin về các nguyên tắc của hệ thống điện mặt trời và công việc bảo dưỡng hệ thống cho các đối tượng liên quan; đồng thời xây dựng báo cáo đánh giá về tính hiệu quả và khả năng triển khai điện mặt trời ở miền Trung Việt Nam.

Thừa Thiên - Huế cũng đã tiếp nhận hơn 9,5 tỷ đồng từ dự án "Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam" giai đoạn 2012-2014; trong đó, nguồn vốn của AHIP (Quỹ phòng chống cúm gia cầm) là 7,35 tỷ đồng; nguồn vốn của IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) là 1,86 tỷ đồng; còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Dự án tập trung vào các nội dung hoạt động chính như nâng cao năng lực của hệ thống giám sát và đáp ứng với bệnh truyền nhiễm từ Trung ương đến địa phương; tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm mới nổi; nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng địa phương thông qua việc nhân rộng mô hình y tế dự phòng tuyến huyện...

Trước đó, Hiệp hội Bretagne-Việt Nam (Cộng hòa Pháp) hỗ trợ người khuyết tật tại Thừa Thiên-Huế 124,6 triệu đồng mua 10 máy may công nghiệp, bàn ủi hơi và trang thiết bị phục vụ bếp ăn tập thể cho các em khuyết tật đang học nghề và lưu trú tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh.../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục