Mỹ huy động nhà khoa học điều tra "thủy triều đen"

Ông Obama đã bổ sung 5 nhà khoa học để điều tra nguyên nhân sự cố tràn dầu trên Vịnh Mexico, thảm họa môi trường lớn nhất nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/6 đã bổ sung năm nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn và môi trường hàng đầu tham gia ủy ban độc lập lưỡng đảng của tổng thống nhằm điều tra nguyên nhân sự cố tràn dầu trên Vịnh Mexico - được coi là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước này.

Như vậy, ủy ban độc lập này sẽ gồm bảy thành viên, do Thống đốc bang Florida Bob Graham và cựu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường William Reilly lãnh đạo.

Trong một tuyên bố khi đang thực hiện chuyến thị sát lần thứ tư, kéo dài trong hai ngày 14 và 15/6, tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi "thủy triều đen," Tổng thống Obama cho biết hầu hết các chuyên gia đều công tác tại các trung tâm khoa học hàng đầu của Mỹ, do đó, họ sẽ mang những kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng của mình đóng góp cho hoạt động của ủy ban.

Ra đời hồi tháng Năm, một tháng sau vụ nổ giếng dầu gây chìm giàn khoan Deepwater Horizon và tràn dầu trên Vịnh Mexico, ủy ban độc lập trên có nhiệm vụ đưa ra các kế hoạch bảo vệ ngành dầu khí cũng như các biện pháp nhằm làm giảm tác động của các vụ tràn dầu do hoạt động khai thác dầu ngoài khơi trong tương lai.

Cùng ngày, phát biểu sau cuộc gặp với các quan chức địa phương bang Alabama và Mississippi, Tổng thống Obama đã cam kết bảo vệ cuộc sống của người dân tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa tràn dầu.

Ông kêu gọi người dân không nên tẩy chay hải sản có xuất xứ từ Vịnh Mexico vì chúng rất an toàn, đồng thời khuyến khích khách du lịch tiếp tục đến thăm khu vực này bởi rất nhiều bãi biển nổi tiếng của khu vực chưa bị "thủy triều đen" đe dọa.

Nhằm xoa dịu các mối lo ngại ngày một tăng, Tổng thống Obama cũng đã công bố sáng kiến hợp tác và toàn diện của nhiều cơ quan nhằm bảo vệ ngành hải sản - thế mạnh kinh tế và là niềm tự hào của các bang thuộc khu vực Vịnh Mexico. Tuy nhiên, ông không cho biết chi tiết về sáng kiến này.

Hiện Chính quyền Mỹ đang thực thi biện pháp đóng cửa một số ngư trường bị dầu xâm lấn. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama tiếp tục nhắc lại yêu cầu Tập đoàn dầu mỏ Anh BP, đơn vị thuê giàn khoan Deepwater Horizon, phải nhanh chóng bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, BP vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục sự cố tràn dầu. Ngày 14/6, BP công bố mục tiêu tăng gấp ba khả năng hút dầu tràn, lên mức cao nhất là 80.000 thùng dầu/ngày vào giữa tháng Bảy tới cũng như tăng khả năng hút dầu hiện nay lên mức 50.000 thùng/ngày vào cuối tháng Sáu, sớm hơn hai tuần so với dự kiến trước đó.

Theo ước tính của BP, hiện mỗi ngày tập đoàn này hút được 15.000 thùng từ chiếc phễu chụp trên đoạn ống bị vỡ.

Dự kiến, bắt đầu từ ngày 15/6, BP sẽ áp dụng lại biện pháp hút dầu dưới đáy biển - từng bị thất bại một tháng trước đó, để chuyển dầu lên thiết bị Q4000 nhằm làm tăng công suất hút dầu thêm khoảng 28.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, do Q4000 không có khả năng lưu giữ và xử lý dầu nên toàn bộ số dầu được chuyển lên sẽ bị đốt ngay sau đó. BP đã hoàn thành việc thử nghiệm Q4000 hồi cuối tuần qua.

Kể từ khi xảy ra sự cố ngoài khơi Vịnh Mexico hồi cuối tháng Tư, làm khoảng 40.000 thùng dầu tràn ra biển mỗi ngày, gây ra thảm họa môi trường được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, BP đã phải chi tới 1,6 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

Dự kiến, trong ngày 16/6, lãnh đạo tập đoàn BP sẽ tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, trong đó có sự tham gia của Tổng thống Obama, về các biện pháp khắc phục thảm họa tràn dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục