Những thách thức đang chờ đợi Tân Tổng thống Mỹ

Bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ phải theo đuổi các chính sách nhằm khôi phục lại sự năng động của nền kinh tế.
Theo mạng tin economywatch.com ngày 7/8, bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ buộc phải theo đuổi các chính sách nhằm khôi phục lại sự năng động của nền kinh tế, tạo việc làm và ổn định tài chính.

Một lựa chọn như vậy có thể sẽ cần sự kết hợp giữa các chính sách xã hội với các giải pháp kinh tế đồng bộ.

Nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 1/2013 và bất cứ ai chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế hiện đang tăng trưởng khoảng 2% và có thể thấp hơn nữa trong năm tới. Thất nghiệp sẽ tiếp tục cao và tỷ lệ thất nghiệp trong dài hạn sẽ khó được giải quyết, thậm trí có thể còn tăng thêm.

Vấn đề tài chính của nền kinh tế Mỹ cũng sẽ là một mối quan tâm lớn. Thâm hụt tài chính có thể tiếp tục chiếm khoảng 10% GDP, thêm vào đó là những mối lo ngại về các khoản nợ trong trung hạn. Khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội Mỹ đang được nới rộng ra và trở thành một thách thức lớn.

Trong khi đó, các hoạt động bất thường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây, bao gồm cả một danh sách các biện pháp thử nghiệm, có thể sẽ mang lại lợi ích ít hơn và khiến cho chi phí và rủi ro đang tăng lên.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng sẽ phải hoạt động trong một môi trường toàn cầu khó khăn hơn. Cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu tiếp tục có những dấu hiệu trở nên tồi tệ hơn. Trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc, đang chậm lại.

Bởi vậy, cho dù ông Barack Obama hay ông Mitt Romney giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, tổng thống kế tiếp sẽ buộc phải đối mặt với hai nhiệm vụ nặng nề: Nhanh chóng ổn định kinh tế và thực hiện cải cách dài hạn. Và cơn bão từ châu Âu, cùng với sự suy thoái đồng bộ trên toàn cầu sẽ khiến cho các ứng cử viên không có sự lựa chọn nào, ít nhất là trong giai đoạn đầu, ngoài việc theo đuổi các chính sách để khôi phục lại sự năng động của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và ổn định tài chính.

Mối quan tâm nhiều nhất hiện nay của Mỹ đó là việc cân bằng giữa các biện pháp kích thích kinh tế trước mắt và sự ổn định tài chính trong trung hạn. Bước khẩn cấp đầu tiên cần được thực hiện sẽ là để chống lại "vách đá (hay vực thẳm) tài chính." Và nếu không làm được điều này, nguy cơ suy thoái không chỉ tăng mạnh đối với kinh tế Mỹ mà còn tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu.

Cải cách tài chính là việc làm tốt nhất mang lại sự năng động cho một nền kinh tế. Và để làm được điều này, ông Obama và ông Romney sẽ cần phải giải quyết được các trở ngại đối với tăng trưởng và tạo việc làm.

Tuy vậy, đến nay, các chính trị gia dường như đã không tạo được niềm tin nhiều hơn cho các cử tri của mình trong các lĩnh vực như nhà ở, thị trường lao động, tín dụng và cơ sở hạ tầng.

Trong một thế giới lý tưởng, tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ phải nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện hai bước chính để khôi phục việc làm và khiến cho lĩnh vực tài chính trở nên lành mạnh hơn.

Đầu tiên, Tổng thống mới phải đưa ra được một tập hợp toàn diện các sáng kiến chính sách kinh tế khả thi và đối phó được với tình hình hiện tại. Thứ hai, ông sẽ phải có một bộ chính sách xã hội rõ ràng để giải quyết các nhu cầu công bằng và chia sẻ gánh nặng trong xã hội.

Tuy vậy, đây là một thách thức không nhỏ bởi trong số rất nhiều các vấn đề có liên quan đến sự công bằng và bình đẳng, đó là những người giàu sẽ tiếp tục ủng hộ cho một hệ thống mà đã mang lại sự giàu có cho họ./.

Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục