Lý do ông Assad sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Tổng thống Bashar al-Assad, người quyết tâm không nhượng bộ trong cuộc xung đột 21 tháng qua ở Syria, sẽ là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ngày 6/1, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ có bài phát biểu về cuộc nổi dậy chống lại sự cầm quyền của ông - cuộc nổi dậy đã cướp đi sinh mạng của 60.000 người (theo số liệu của Liên hợp quốc) và đẩy cuộc nội chiến ở Syria đến gần thủ đô Damascus hơn.

 

Đây sẽ là bài phát biểu đầu tiên của nhà lãnh đạo 47 tuổi này trong nhiều tháng qua và là những phát biểu công khai đầu tiên của ông kể từ khi ông bác bỏ đề xuất rằng ông nên chọn giải pháp sống lưu vong để chấm dứt cuộc nội chiến hiện nay ở Syria. Ông Assad từng nói với một hãng truyền hình ở Nga hồi tháng 11/2012 rằng ông sẽ "sống và chết" tại Syria.

 

Giới phân tích cho rằng lựa chọn cuối cùng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người quyết tâm không nhượng bộ trong cuộc xung đột dữ dội và gây khá nhiều thương vong kéo dài suốt 21 tháng qua ở Syria, sẽ là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

 

Bị quân nổi dậy ngày càng áp đảo, quân đội Syria hiện tập trung lực lượng duy trì quyền kiểm soát đối với "trục chính" trải dài từ thủ đô Damascus đến thành Homs ở miền trung và lãnh địa của người Alawite nằm dọc bờ biển. Bình luận về cuộc nội chiến kéo dài ở Syria, nhà phân tích về tình hình Trung Đông Agnes Levallois cho rằng Tổng thống Assad - vốn đang lâm vào thế kẹt - sẽ "bám giữ quyền lực cho đến hơi thở cuối cùng."

 

Bà nói: "Càng bám giữ quyền lực lâu, ông (Assad) càng chắc chắn hơn về khả năng ông có thể duy trì quyền lực... không phải bằng cách lấy lại toàn bộ đất nước mà bằng cách giữ chắc Damascus, 'điểm nối' then chốt giữa thành Homs và tuyến đường tới lãnh địa của người Alawite."

 

Andrew Tabler - nhà phân tích thuộc Viện Chính sách Cận Đông tại Washington - nhận định: "Giữ chặt Damascus, hoặc có thể là lãnh địa của người Alawite nằm dọc bờ biển Syria, cố lấy lại những vùng đã mất... là những lựa chọn của ông Assad. Chế độ Assad sẽ sớm bị (phe đối lập) đẩy khỏi miền Bắc và miền Đông, mặc dù hành động này sẽ phải trả giá đắt... với nhiều tên lửa và pháo binh cũng như nguy cơ về vũ khí hóa học."

 

Nhà phân tích Levallois cho rằng ông Assad "vẫn có thể nắm quyền kiểm soát Damascus trong vài tháng trước khi xem xét tới sự lựa chọn về vùng Alawite - cứ điểm của người Alawite nằm dọc bờ biển." Theo các nhà phân tích, từ lâu trước khi cuộc nổi dậy tại nước này bùng phát hồi giữa tháng 3/2011, quân đội Syria đã bố trí các kho vũ khí nằm trên các dãy núi của người Alawite giữa các thành phố biển là Latakia và Tartus.

 

Theo các nhà phân tích, những kho vũ khí này vẫn chưa được lực lượng trung thành với chế độ Assad (gồm khoảng 120.000 quân) sử dụng. Nhà phân tích Levallois cho rằng với sức mạnh này, ông Assad "không cần xem xét tới đối thoại bởi ông ta cảm thấy có thể chiến thắng, rằng ông vẫn có nguồn lực để không cần phải thương lượng cho sự ra đi của mình."

 

Tuy nhiên, bà Levallois cho rằng ông Assad đang lãng phí cơ hội để có thể ra đi dựa trên những điều kiện mà ông đưa ra. Bà nói: "Ông (Assad) có thể lợi dụng chuyến thăm tới Damascus của đặc phái viên quốc tế Lakhdar Brahimi và sự ủng hộ của Nga để khai thác cơ hội đối thoại. Thay vào đó, ông lại dựa nhiều hơn vào các hành động bạo lực. Nếu từ chối sáng kiến của đặc phái viên Brahimi, điều đó có nghĩa là ông Assad thực sự đang sống trong một ốc đảo - tách biệt với thế giới mà không cảm nhận được thực tế - hoặc nghĩ rằng tập trung lực lượng trên bộ có thể giúp đảm bảo cho sự sống sót của mình".

 

Trong một loạt hoạt động ngoại giao, kể cả chuyến thăm tới Nga - đồng minh chủ chốt của Damascus - đặc phái viên LHQ-Liên đoàn Arập Brahimi đã đưa ra đề xuất chấm dứt xung đột tại Syria bằng một lệnh ngừng bắn, thành lập chính phủ mới và tiến hành các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, kế hoạch này không nói cụ thể về số phận của ông Assad, trong khi phe đối lập ra điều kiện Assad phải ra đi mới chịu tham gia vào bất kỳ cuộc đối thoại quốc gia nào.

 

Peter Harling, chuyên gia về Syria làm việc cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết chế độ Assad vẫn thực hiện cùng một chiến thuật kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Chuyên gia này nói: "Ông (Assad) tin rằng mình đang tự vệ, nói rộng hơn là bảo vệ Syria, chống lại một cuộc xâm lược mà ông không còn sự lựa chọn nào khác. Theo đó, bạo lực không phải là do lỗi ông gây ra mà là 'kết quả' của một âm mưu. Bạo lực do kẻ thù của ông gây ra - những người đến một lúc nào đó sẽ nhận thấy rằng cái giá phải trả là quá cao và từ bỏ hành động của mình."

 

Theo ông Harling, nhờ duy trì nhân tố gắn kết và sức mạnh quân sự, chế độ Assad có thể "tiếp tục làm tăng mối đe dọa như đã và đang làm trong gần hai năm qua với hy vọng ai đó sẽ đưa ra một giải pháp, trong đó có tính tới lợi ích của mình (chế độ Assad)"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục