Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm kéo giá dầu đi xuống

Giá dầu trên thị trường châu Á đi xuống vào cuối phiên do nhịp độ tăng trưởng của Mỹ vào thời điểm hiện tại có dấu hiệu chậm lại.
Sau khi giảm mạnh ở đầu phiên giao dịch 26/4, giá dầu trên thị trường châu Á tiếp tục đi xuống vào cuối phiên do nhịp độ tăng trưởng của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - vào thời điểm hiện tại đang có dấu hiệu chậm lại.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 26/4, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 6/2013 giảm 62 xu xuống 93,02 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 53 xu xuống 102,88 USD/thùng.

Cuối phiên giao dịch 25/4, giá dầu tại thị trường châu Âu và châu Mỹ tăng mạnh, sau khi Mỹ cho biết quân đội Chính phủ Syria nhiều khả năng sử dụng vũ khí hóa học chống lại phe nổi dậy, làm dấy lên mối quan ngại rằng Mỹ sẽ trừng phạt Syria bằng các hành động quân sự.

Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2013 bật tăng từ 3 USD lên 94 USD/thùng, sau đó giảm nhẹ xuống mức 93,64 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 2,21 USD so với lúc đóng cửa phiên 24/4.

Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2013 thời điểm chốt phiên hôm qua ở mức 103,41 USD/thùng.

Giới chức trách Mỹ nói rằng họ có bằng chứng cho thấy Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ở “diện hẹp.” Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột Syria, sau khi đã cảnh báo trước rằng việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống quân nổi dậy sẽ vượt qua “giới hạn đỏ.”

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết mọi lựa chọn đều được cân nhắc nếu việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại phe nổi dậy được xác thực.

Chuyên gia Andy Lipow thuộc Oil Associates nói rằng các sự kiện ở khu vực Trung Đông sẽ gây gián đoạn thị trường dầu mỏ và những diễn biến xảy ra ở Syria có thể sẽ biến thành một cuộc xung đột lớn hơn.

Bên cạnh đó, giá dầu tăng tại hai thị trường châu Âu và Mỹ cũng là nhờ những thông tin số người thất nghiệp trong tuần trước giảm mạnh.

Theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ trong tuần trước chỉ ở mức 339.000 người, giảm 16.000 người so với tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 351.000 của nhiều chuyên gia.

Các chuyên gia phân tích của Credit Agricole CIB tại Hong Kong nói rằng kết quả trên chưa thể làm dịu đi những lo ngại về thị trường việc làm. Không chỉ có thế, ngành chế tạo cũng bắt đầu sa sút, doanh thu từ thị trường nhà ở Mỹ đã sụt giảm trong tháng 3/2013.

Trong tuần này, thị trường dầu thô chuyển biến tích cực trong bối cảnh kho dự trữ xăng của Mỹ giảm ngoài dự kiến./.

Nguyễn Linh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục