Đưa Cà Mau thành vùng chuyên canh thủy sản lớn

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cà Mau tận dụng lợi thế 254km bờ biển và hệ thống kênh rạch để trở thành vùng chuyên canh thủy sản lớn.
Sáng 9/12,  làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Cà Mau đánh giá đúng tiềm năng to lớn của tỉnh, một địa phương có 254km bờ biển, kênh rạch chằng chịt... để có chiến lược phát triển lâu dài, đặc biệt là kinh tế biển, biến nơi đây thành vùng chuyên canh thủy sản lớn của cả nước, đồng thời phát triển mạnh du lịch sinh thái.

Cà Mau cần đánh giá một cách khách quan, đúng thực chất về vai trò, sự đóng góp của các thành phần kinh tế trên địa bàn, nhất là đối với các doanh nghiệp cổ phần và loại hình kinh tế hợp tác, từ đó có những đề xuất nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan; quan tâm hơn nữa việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý Cà Mau đánh giá một cách sâu sắc tình hình tổ chức cơ sở Đảng và công tác xây dựng Đảng, nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần; có nắm bắt đúng và trúng thực tiễn thì mới đề xuất được những giải pháp hiệu quả.

Báo cáo của Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định, việc thực hiện các chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước trong 20 năm qua đã tạo ra những chuyển biến rõ nét, trên mọi lĩnh vực của tỉnh.

Một số dự án quan trọng của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau; các tuyến giao thông quốc gia như đường hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh kéo dài đến Đất Mũi, đường bộ ven biển, đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được trong 20 năm qua là minh chứng sống động cho thấy Cương lĩnh năm 1991 và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào thực tiễn cuộc sống tại một vùng đất xa xôi ở cực Nam của Tổ quốc.

Kinh tế liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế năm 2009 tăng gấp 6,2 lần năm 1991 và gấp 4,2 lần năm 1997 (là năm tỉnh Cà Mau được tái lập).

GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 1.030USD, tương đương mức bình quân cả nước, gấp 3,7 lần năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp giảm từ hơn 73% năm 1991 xuống còn 41,5% năm 2009.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 ước đạt 640 triệu USD, gấp 16 lần năm 1991 và gấp 7 lần 1997. Cà Mau cũng rất quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, thương binh, gia đình liệt sỹ, người nghèo...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau - công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng.

Việc thi công các công trình thuộc dự án quan trọng này đã được triển khai đúng tiến độ và chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác sử dụng, đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Trong 11 tháng năm 2009, nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đã đạt sản lượng phát điện 5,92 tỷ kWh, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Và tới đây, khi nhà máy đạm Cà Mau (với công suất thiết kế 800.000 tấn urê/năm) đi vào hoạt động (dự kiến quí I/2012), sẽ đáp ứng 50% nhu cầu phân đạm của cả nước.

Đoàn cũng đã đến làm việc tại Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau và Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương - những đơn vị thích ứng tốt với cơ chế mới, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Đoàn còn đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 680 và đông đảo bà con xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), mảnh đất cực Nam của Tổ quốc; thăm Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục