Nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

EuroCham vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh ở Việt Nam nhưng lại không chắc chắn về chính sách, hành động kinh tế trong tương lai.
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cảm nhận về môi trường đầu tư tại Việt Nam, quan điểm của các hội viên EuroCham vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh nhưng họ phản ứng thận trọng hơn và không chắc chắn về việc các chính sách và hành động kinh tế trong tương lai sẽ như thế nào.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ngày 27/5, ông Alain Cany chỉ ra nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi tỷ lệ lạm phát cao và những mối lo ngại về triển vọng của đồng tiền Việt Nam.

Song ông Alain Cany cũng nhận định Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam về việc kiềm chế lạm phát được coi là đúng tuy nó chỉ là những hành động ngắn hạn. Và ông mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục đưa ra những chính sách đáng tin cậy và ổn định lâu dài.

“Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ hướng ưu tiên đầu tư chất lượng cao trong các ngành giá trị gia tăng hơn là cho phép thực hiện những dự án đầu tư ngắn hạn và có tính chất đầu cơ. Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ gần đây đã có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm trong khoảng từ 6,2% - 6,5%.”

Theo đó, ông Alain Cany đưa ra đề xuất, trong bối cảnh này, những thay đổi về cơ cấu để nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam cần phải được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Điều này đặc biệt đúng với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Christopher Twomey, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cho biết AmCham ủng hộ định hướng của Chính phủ Việt Nam về chủ trương tập trung vào ổn định hơn là tăng trưởng và kỳ vọng vào môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ trở lại ổn định.

Liên quan đến dự thảo luật mới về giá, ông Alain Cany quan ngại những quy định mới về giá sẽ tạo ra sự không chắc chắn trong cộng đồng doanh nghiệp.

Còn Người đứng đầu AmCham lại đưa ra ý kiến thay vì kiểm soát giá, Chính phủ nên xem xét việc tự do hóa dây chuyền cung ứng về phân phối để nó có thể trở thành phương tiện giảm giá thành sản phẩm hữu hiệu hơn. 

Đánh giá cao cơ hội được gặp gỡ chia sẻ những quan điểm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore thì cho hay nhìn chung các nhà đầu tư Singapore tin tưởng vào triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động trước thềm Hội nghị Nhóm Tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam, năm nay được tổ chức với chủ đề “Vượt qua 2011 – Mục tiêu dài hạn của Việt Nam."

Sau khi khái quát tổng quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam, các chủ đề đối thoại với Chính phủ tâp trung vào những lĩnh vực ngân hàng và thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, giáo dục./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục