Phá “bẫy”.... hố ga

Phá “bẫy” nắp hố ga bằng… composite

Nếu không căng mắt ra nhìn đường, bạn sẽ dễ bị sa vào những chiếc “bẫy hố ga” chết người đang trực chờ sẵn...
Trước đây, đi trên đoạn đường Phạm Hùng, Lê Văn Lương, anh Nguyễn Quang Hòa (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) phải căng mắt nhìn đường, bởi nếu không sẽ sa vào những chiếc “bẫy hố ga” chết người. Nhưng, thời gian gần đây, hiện tượng này đã không còn.

Đây là kết quả bước đầu của việc ứng dụng công nghệ nắp cống coposite mới trong hệ thống cấp thoát nước của Hà Nội.

Vừa đi, vừa sợ sập bẫy hố ga


Tuyến đường Phạm Hùng và Lê Văn Lương luôn luôn là điểm nóng xảy ra các vụ tai nạn. Nguyên nhân chính bởi những chiếc hố ga “há miệng toang hoác”… rình người qua đường.

Chị Trần Thị Hải – chủ quán nước trên đường Lê Văn Lương đã bắt gặp nhiều trường hợp người đi đường gặp tai nạn bởi nắp cống. “Có người đi xe máy, gặp cống không tránh kịp nên ngã xuống trầy xước hết mặt mũi, thậm chí còn gãy tay chân”.

Có nhiều lý do để “biện bạch” cho cái sự “bẫy hố ga” ấy. Nào là việc do thời gian sử dụng đã lâu nên các nắp hố ga bị hỏng, nhiều dự án đang thi công nên chưa thể lắp đặt được. Song, kể đến nhiều nhất phải là tình trạng kẻ cắp lấy nắp hố, đem bán kiếm lời.

Cũng vì thế mà người đi đường luôn cảm thấy sợ hãi khi đi qua các nắp cống.

“Đi làm về vào giờ cao điểm, lượng người và xe cộ đông, có khi phải dạt cả vào vỉa hè để đi. Nhưng gặp phải nắp cống mất nắp đột ngột xuất hiện trước mắt tránh không kịp là xảy ra tai nạn thường xuyên”- anh Hòa bức xúc.

Nắp cống ngay cả đoạn rẽ vào các ngã ba cũng mất nắp thì người đi đường luôn phải tìm cách cua vòng sang chỗ khác để tránh, thậm chí có người còn phanh lại thì lập tức xe đi phía sau sẽ đâm vào mà không tránh kịp.

Chìa khóa phá “bẫy”


Để khắc phục tình trạng này, cuối tháng 11/2008, Công ty Cấp thoát nước Hà Nội đã phối hợp với Sở xây dựng và Viện nghiên cứu khảo sát kiểm định chất lượng mạnh dạn thay thế nắp hố ga gang, sắt hay bê tông bằng nắp hố ga Composite.

Đoạn đường được lựa chọn chính là “điểm đen” tình trạng mất cắp nắp hố ga: Phạm Hùng và Lê Văn Lương.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Trưởng phòng kỹ thuật công ty thoát nước Hà Nội phấn khởi, “đến nay chưa có nắp hố ga nào bị mất.”

Ông Tuấn cho hay, nắp hố ga composite là sản phẩm có nhiều tính năng mới như lắp đặt tùy theo từng trọng tải, chịu bào mòn và có thời gian sử dụng cao, trọng lượng nhẹ, dễ lắp đặt, có thể phối màu với gạch lát nền vỉa hè hoặc trang trí các họa tiết hoa văn tùy theo mục đích của người sử dụng.

Đặc biệt, giá của mỗi nắp hố ga composite chỉ bằng 60% giá các loại nắp hố ga bằng sắt thép hoặc bê tông. Hơn thế, “tiêu chí chống mất trộm được đặt lên hàng đầu do nắp cống bằng composite không có giá trị tái sử dụng,” ông Tuấn nói.

Thành công bước đầu, ông Tuấn “bật mí” đang “xem xét và có thể sẽ ứng dụng rộng rãi trong hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội.”

Theo quan sát của Vietnam+, nếu nhìn bằng mắt thường, nắp cống bằng composite chỉ khác nắp bình thường ở mỗi “màu sắc”. Nắp composite hiện nay chủ yếu được sơn xanh hoặc vàng. Tuy nhiên, việc lắp xen kẽ giữa sản phẩm cũ và mới khiến nhiều người dân lẫn lộn.

Về vấn đề này, ông Tuấn tỏ ra khá lo lắng: “Điều khác biệt căn bản giữa nắp cống composite và nắp khác là ở màu sắc, chủ yếu là màu xanh hoặc vàng. Tuy nhiên, nhiều người dân chẳng biết đó là composite hay gang.”

Do đó, đơn vị này, ngoài việc thử nghiệm còn liên tục tuyên truyền tới người dân.

Cũng như anh Hòa, một số người tham gia giao thông ở khu vực này, khi được hỏi đều mong muốn những chiếc nắp hố ga composite sớm được đưa vào sử dụng trên khắp nẻo phố phường Hà Nội. Bởi, có như vậy thì những chiếc “bẫy hố” mới không đe dọa tính mạng con người./.
Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục