Sân khấu hài "đóng băng"

Sân khấu hài miền Bắc "đóng băng" mùa hè

Trong hai năm vừa qua, vở hài (hoặc mang nhiều yếu tố hài) được các nhà hát, đoàn nghệ thuật dàn dựng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Trong hai năm vừa qua, vở hài (hoặc mang nhiều yếu tố hài) được các nhà hát, đoàn nghệ thuật dàn dựng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trong đó, chỉ có Đời cười, Cười ơi được nhắc đến (do chú trọng vào tiểu phẩm hài, quy tụ được nhiều danh hài), còn lại hầu hết các vở ra mắt, kết thúc trong… âm thầm.

Tăng cường khuyến mại

Đầu tháng 7, Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với Thành đoàn Hà Nội cùng công ty Cổ phần Giới thiệu Văn hóa Nghệ thuật Đông Đô đã khai trương sân khấu (tạm gọi là) hài đầu tiên của miền Bắc tại đảo hồ Thiền Quang (37 Trần Bình Trọng) với hội trường hiện đại có sức chứa hơn 500 chỗ.

Trong đêm khai trương, các vở diễn Học giả, Tri ân (Đời cười 5), Bến ôsin (Đời cười 7), Giao thông quốc nạn (Đời cười 8), Những bệnh nan y... được ra mắt với sự trở lại của các danh hài Chí Trung, Quang Thắng, Hiệp Gà, Vân Dung...

Vé vào cửa của ngày khai trương là 60.000 đồng/ vé. Khuyến mại mua 1 tặng 1 trong suốt tháng đầu tiên. Mặc dầu trong ngày khai trương, khán giả vào rạp 100% vẫn là vé mời, nhưng nhờ giá vé rẻ, nên các tuần sau, thứ Sáu, thứ Bảy diễn thì vé được bán hết từ thứ Hai.

Theo thông tin mới nhất, Nhà hát Tuổi trẻ quyết định kéo dài chương trình khuyến mại thêm một tháng nữa để khuyến khích khán giả quan tâm hơn đến sân khấu.

“Nhiều chương trình hài mới đang được gấp rút dàn dựng”, nghệ sĩ Chí Trung - trưởng đoàn kịch II - nói. “Và sẽ ra mắt vào đầu tháng 9 sau đợt khuyến mại vì vé đã bán hết cho đến ngày 22, 23/8. Chúng tôi chưa biết lúc đó sẽ ra sao vì khán giả đang ưa chuộng dịch vụ giá rẻ chất lượng cao”.

Chịu đói nằm co hay ăn no vác nặng?

Trong khi các đoàn nghệ thuật Nhà nước vẫn thói quen “thà chịu đói nằm co còn hơn ăn no vác nặng”, thì những ông bầu của các đoàn nghệ thuật tư nhân đã thể hiện rõ ưu điểm nhanh nhạy với thị trường.

Một loạt các nghệ sĩ của Gặp nhau cuối tuần như Minh Vượng, Phạm Bằng, Chí Trung, Vân Dung, Công Lý, Quang Thắng... lần lượt đi tour từ Hà Nội đến khắp các tỉnh thành - những nơi có thu nhập đầu người cao, dân chúng yêu nghệ thuật và không tiếc tiền để được gặp các danh hài bước ra từ màn ảnh nhỏ.

Ban đầu việc đi diễn tỉnh của các danh hài diễn ra rất vui vẻ, vở diễn tốt. Càng về sau, việc lưu diễn dài ngày, liên tục các suất diễn, làm cho các nghệ sĩ không có thời gian làm mới vai diễn, tập luyện vở... vì thế, các vở hài kịch ngày một nhàm, gây cảm giác lặp lại, chán chường cho người xem.

Trước thực trạng đó, các nghệ sĩ hài bắt đầu tính bài toán về địa điểm, thời gian lưu diễn, bao năm thì quay trở lại địa phương đó. Nhưng việc tính toán cũng không lại... với trời. Đến điểm diễn nào mà gặp mưa, bão lũ... thì cả đoàn chỉ còn cách lui cui thu dọn đồ đạc ra về.

Tuy vậy, các khó khăn kể trên sẽ không thấm thía gì so với việc khán giả ngày một thiếu mặn mà với sân khấu. Trước kia một tỉnh có thể diễn liên tiếp một tuần, giờ đây một tuần phải di chuyển đến hai, ba tỉnh khác nhau. Việc thay đổi địa điểm dẫn tới cường độ các diễn viên làm việc gấp hai, ba lần mới có đủ thu nhập như cũ.

PR hài đến khách quốc tế

Tại đoàn kịch II (Nhà hát Tuổi trẻ) vào giữa chiều thứ sáu, “ông bầu” Chí Trung mặc dầu rất bận bịu cho chuyến bay đến Thành phố Hồ Chí Minh vào chập tối nhưng vẫn nhiệt tình tiếp chuyện phóng viên, còn đạo diễn Lê Hùng thì đang ồn ào chỉ đạo diễn viên tập dượt các vở hài kịch ngắn lấy từ Đời cười đã được chuyển ngữ sang... tiếng Anh.

“Chúng tôi muốn mở rộng tiếng cười đến với các khán giả ngoại quốc”, nghệ sĩ Chí Trung giải thích. “Chúng tôi kết hợp với một công ty du lịch, đưa du khách nước ngoài đến với Nhà hát. Ngoài việc thưởng thức các điệu múa, các bài dân ca Việt Nam, họ sẽ được xem các vở hài kịch ngắn. Thế nhưng oái oăm thay, đúng lúc đang mong mỏi đông đảo du khách nước ngoài đến với V Nam thì dịch cúm A/H1N1 xuất hiện...”.

Tuy nhiên, nghệ sĩ Chí Trung chuyển hướng mới: tiếp tục chủ động đi tìm khán giả của mình từ các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa nước ngoài và một số trường ngoại ngữ.

“Nhiều người cho rằng sân khấu là thánh đường” - Chí Trung tâm sự - Nhưng hiện tại, thánh đường này chỉ có 'giáo chủ' chứ không có 'tín đồ'. Khi mà sân khấu - thánh đường lưu động, tức là 'giáo chủ' phải lang thang đi tìm 'tín đồ' của mình, cũng có nghĩa tác phẩm thành sản phẩm. Phương pháp PR sản phẩm tốt nhất của chúng tôi là có kịch bản tốt, kế đó là đạo điễn, dàn diễn viên cực tốt để biến ý tưởng thành hiện thực”.

Nắm bắt thị hiếu, nhu cầu khán giả, nghệ sĩ Chí Trung cùng anh em trong đoàn chuyển các vở hài kịch dài sang thành nhiều vở ngắn. Đoàn ra quân bằng việc biểu dương hình ảnh với tờ rơi, băng rôn, ôtô treo ngang dọc poster diễn viên và ra rả tiếng loa quảng cáo buổi diễn. Diễn viên của đoàn cùng nhau xuất hiện tại các trung tâm thương mại không ngoài mục đích “báo cáo” với bà con rằng chúng tôi đã có mặt tại địa phương.

“Tuy nhiên không phải đoàn hài nào cũng dám PR bản thân mình như thế, ngược lại, họ còn nói tôi làm 'ô danh' sân khấu” - Chí Trung chua chát nói. “Các diễn viên được mang danh là người của công chúng thì phỏng ý nghĩa gì khi diễn mà không có khán giả. Với tôi, quan trọng nhất là làm thế nào để có khán giả thực sự đến với mình, chứ không phải bằng vé/ giấy mời hay công văn, thủ tục hành chính...”.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục