Đầu tư “chân phương” - Cuộc chơi khốc liệt

Đúng như dự đoán của nhiều thành viên tham gia thị trường, sáng nay thị trường chứng khoán chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh mẽ. VN-Index để tuột tay hơn 18 điểm quay về chốt tại ngưỡng 487 điểm.
Đúng như dự đoán của nhiều thành viên tham gia thị trường, ngay phiên đầu tuần  (18/1) thị trường chứng khoán chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh mẽ. VN-Index để tuột tay hơn 18 điểm quay về chốt tại ngưỡng 487 điểm. Toàn thị trường chỉ có 10 mã tăng giá, trong khi có tới 191 mã giảm giá và đa phần là nện sàn.

Tuần trước, hoạt động giao dịch trên thị trường giằng co quyết liệt ngay trong cùng một phiên. Áp lực chốt lãi chiếm ưu thế, thêm vào đó là tâm lý lo lắng về các yếu tố vĩ mô và những “đồn đoán” về chính sách tiền tệ đã khiến cho nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ tiền lựa chọn giải pháp “đứng ngoài cuộc chơi”.

VN-Index dao động trong biên độ hẹp

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khối Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán APEC, nhận định sau một tuần giao dịch đầy cảm xúc, VN-Index giảm 15,2 điểm tương đương 2,9% so với mức đóng cửa cuối tuần trước. Khu vực 480 điểm của VN-Index đã chứng tỏ là một ngưỡng hỗ trợ rất mạnh.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch đang có xu hướng giảm cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong thời điểm trước Tết Nguyên Đán. Ông Bình cho rằng tính chất này cũng đã thành quy luật với thị trường chứng khoán Việt Nam khi mỗi dịp Tết về.

“Từ nay đến Tết, thị trường sẽ có xu hướng nghỉ xả hơi, đồng thời chờ đợi thông tin từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Về cơ bản, tuần này thị trường sẽ ở trạng thái cân bằng. VN-Index sẽ giằng co trong biên độ hẹp từ 480 – 520 điểm”, ông Bình nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích độc lập Nguyễn Anh Dũng thì cho rằng tuần này VN-Index sẽ “thử lửa” vùng hỗ trợ 480 điểm. Thị trường sẽ rơi vào một trong hai trạng thái lên hoặc xuống mà không đi ngang.

“Tâm lý các nhà đầu tư tiếp tục nghiêng về nghe ngóng, lực cầu sẽ giảm rõ rệt, vì vậy, những phiên đầu tuần thị trường sẽ giảm. Nếu cuối tuần không xuất hiện 'tin xấu' thì thị trường có thể tăng trở lại”, anh Dũng nhận định.

Anh Dũng khẳng định, về bản chất, thị trường chỉ “xấu” về khía cạnh tâm lý. Sau khoảng ngày 20 tháng này, các thông tin về chỉ số lạm phát hay lãi suất cơ bản chính thức được công bố, cộng với thông tin kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường sẽ có sự phân hóa rất mạnh.

Càng “chơi” càng khó

Ông Lê Trọng Nghĩa, một nhà đầu tư có bề dày kinh nghiệm tại Sàn giao dịch Chứng khoán IRS, cho rằng thị trường ngày càng khó nhận định. Mặc dù đã rất thành công trong những đợt “sóng trước”, song chỉ bằng một đợt lao dốc cuối cùng của năm 2009, lợi nhuận của ông Nghĩa đã giảm đi tương đối.

Ngay cả “con sóng” đầu tiên của năm 2010, ông Nghĩa chia sẻ, nhiều nhà đầu tư như ông sử dụng đòn bẩy tại khu vực gần "đỉnh sóng" nên hiện tại đang bị “mắc” hàng.

“Nếu tuần này thị trường đi ngang, tôi sẽ không hành động gì cả. Còn  nếu VN-Index phá ngưỡng 485 điểm và giảm sâu hơn thì tôi sẽ phải bán hết sạch. Đối với những nhà đầu tư "chân phương" như chúng tôi, cuộc chơi đang trở nên quá khốc liệt”, ông Nghĩa tỏ ra chua xót.

Cùng tâm trạng này, anh Nguyễn Trần Tường Văn, nhà đầu tư theo giá trị cổ phiếu, nói rằng cả năm vừa qua tỷ suất lợi nhuận của anh chỉ đạt có 18%. Những người bạn đầu tư của anh tính tới thời điểm này cũng đều đang bị sụt giảm tiền lãi Với các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường khoảng giữa năm 2009 thì khả năng lỗ là rất cao.

Mặc dù là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, song anh Văn chỉ xem những biến động trên bảng điện tử hàng ngày như những thông số để tham khảo và cho rằng không nên để nó chi phối đến quyết định đầu tư.

“Tôi sẽ tuân thủ kỷ luật và đầu tư theo một kế hoạch đã được xây dựng từ trước đó”, anh Văn quả quyết./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục