Nhọc nhằn chống lao

Hải Phòng: Nhọc nhằn “cuộc chiến” chống bệnh lao

Không chỉ nghèo đói vật chất, mà nghèo "đói" kiến thức cũng là nguyên nhân chính dấn đến việc bệnh lao lây lan rộng, khó kiểm soát.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thấu, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng, hàng năm bệnh viện này phát hiện và điều trị trên 2.000 bệnh nhân lao. Tuy nhiên, trên thực tế thì con số chưa phát hiện được đánh giá là “còn lớn hơn nhiều,” trong đó người nghèo là đối tượng chính.

Không chỉ nghèo về vật chất, mà nghèo đói về kiến thức cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc bệnh lao lây lan rộng. Thậm chí, đã có rất nhiều tường hợp bị chết do không nhận thức đúng về cách phòng tránh, điều trị bệnh lao.

“Sống mòn” với bệnh lao

Đến thăm gia đình bà Trần Thị Nhung ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng vào một buổi chiều mưa, trông ngôi nhà cấp bốn trống toang của người đàn bà khổ hạnh, đang lầm lũi chăm chồng và con bị bệnh lao thật ảm đạm.

Ngồi bệt bên chiếc giường xập xệ, bà Nhung gầy còm, khuôn mặt hốc hác già hơn nhiều so với cái tuổi 53. Chia sẻ về căn nguyên dẫn tới người thân bị lao, bà Nhung bùi ngùi kể, năm 2007 cậu con trai Phạm Văn Minh (23 tuổi) đồng nhiễm lao/HIV phải điều trị tại trung tâm y tế huyện. Thương con, chồng bà là ông Phạm Văn Đức ngày ngày túc trực, chăm sóc rồi cũng bị lao.

Bà Nhung nghẹn ngào: “Từ ngày chồng con dính phải bệnh lao, bao nhiêu của cải trong nhà cứ thế ‘đội nón ra đi,’ giờ chỉ còn lại cái xác nhà rách nát này thôi. Khổ lắm chú ạ!.”

Không chỉ sống khổ vì có chồng, con mắc bệnh lao, cậu con trai đồng nhiễm lao/HIV của bà sau 3 lần vào tù ra tội, giờ vẫn “ngựa quen lối cũ”. Những đợt lên cơn thèm thuốc, quấy phá của Minh lại khiến bà ăn, ngủ không yên.

Ngồi đối diện với bà, ông Đức ho sặc sụa rồi cất giọng yếu ớt: “Mệt lắm, từ ngày bị lao tới giờ tôi chả làm được gì cả. Tất cả mọi việc lớn, bé của gia đình đều trông cậy vào bà ấy, nghĩ khổ tâm lắm. Có bị lao mới biết cơ khổ.”

Cũng theo lời ông Đức thì mặc dù các chuyên gia y tế thường nói trên tivi rằng bệnh lao không phải là ‘án tử hình,’ nhưng thực tế nó điều trị mất nhiều thời gian và tốn kém, thậm chí là bị chết. "Ở địa phương này có rất nhiều người bị chết vì lao rồi," ông Đức nói.

Bó hẹp nhận thức

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng, để giúp người dân hiểu được tác hại của bệnh lao, cách phòng chống và điều trị, bệnh viện và các tuyến trung tâm y tế địa phương đã liên tục tuyên truyền. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về lao và điều trị lao vẫn còn bó hẹp, bởi yếu tố nghèo đói về vật chất lẫn kiến thức.

Chị Nguyễn Thị Thanh, Chủ nhiệm câu lạc bộ HIV, cũng là người làm công tác vận động bà con phòng chống lao, HIV ở huyện Thủy Nguyên cho biết, mặc dù người dân ở đây giám công khai bệnh tật. Thế nhưng, một phần do hoàn cảnh quá khó khăn nên nhiều người họ cũng ngại đi khám, điều trị bệnh lao sớm.

Quay trở lại câu chuyện với bà Nhung, khi được hỏi trong gia đình có 2 người bị bệnh lao, bà có nghĩ bản thân mình cũng bị nhiễm, bà tâm sự: “Tôi cũng lo lắm, cứ đêm xuống lại bị ho, trong người rất mệt mỏi. Nhiều lần các cô chú y tá ở trạm y tế cũng đến thăm hỏi, khuyên đi khám, nếu bị thì điều trị sớm. Thế nhưng, đi khám phát hiện bị lao thì lấy đâu ra tiền mà chạy chữa. Đành phó mặc cho số phận thôi."

Theo lời bà Nhung, gần chục năm nay chồng bị ốm, con nghiện ngập nên một thân bà phải cáng đáng mọi việc nặng nhọc. Gia đình hàn nông nghèo, chỉ biết trông chờ vào 6 sào ruộng, không đủ tiền chạy chữa cho chồng, con nên bà  đã phải vay mượn thêm hơn 30 triệu đồng.

"Nhiều lúc cũng muốn đi khám lắm, nếu bị thì chạy chữa chứ ôm bệnh làm gì. Thế nhưng, nhà rách nát, nợ nần chồng chất thế này thì chạy với chữa kiểu gì hả chú," bà Nhung rầu rĩ nói.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Minh Thấu, bệnh viên lao cũng như trung tâm ý tế các tuyến huyện, xã, thường xuyên tuyên truyền và giải thích rằng chữa lao không phải mất tiền thuốc, chỉ mất một số phí dịch vụ ngoài lề.

Thế nhưng, vì cuộc sống quá khó khăn, trong khi chữa trị bệnh lao lại mất một thời gian khá dài, đồng nghĩa với việc họ phải tự chi trả một số chi phí như dường nằm, đi lại… đã khiến nhiều người dân như bà Nhung xem nhẹ, cam chịu hoặc tặc lưỡi “sống mòn” với bệnh lao./.

Theo tổ chức Y tế Thế giới, hiện Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu, tỷ lệ mắc lao chiếm 334/100.000 dân, lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân điều trị chiếm 19%. Mỗi năm cả nước có 290.000 người mắc lao và 29.000 người tử vong do lao.

Tại Hải Phòng ước tính hàng năm có 1.300 bệnh nhân lao mới, nhưng còn 20% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị. Năm 2011 thành phố phát hiện 2.301 người bệnh lao, có 232 bệnh nhân lao HIV.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục