Thái Lan-Campuchia triển khai hợp tác lao động

Campuchia đã đưa 113 lao động phổ thông tới Thái Lan làm việc theo Bản ghi nhớ về hợp tác lao động đã được hai bên ký kết.
Ngày 9/7, Campuchia đã đưa 113 lao động phổ thông, trong đó có 59 nam và 54 nữ, tới Thái Lan làm việc theo Bản ghi nhớ về hợp tác lao động đã được hai bên ký kết.

Đây là nhóm lao động đầu tiên trong tổng số 8.000 lao động phổ thông Campuchia sẽ sang làm việc tại nước láng giềng Thái Lan theo nội dung của văn kiện này.

Phóng viên TTXVN tại Thái Lan cho biết nhóm lao động trên đã được các công ty tuyển dụng Campuchia đưa từ tỉnh Poi Pet tới cửa khẩu Aranyaprathet thuộc tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan.

Tại đây, các lao động đã được cơ quan chức năng Thái Lan kiểm tra giấy tờ và hướng dẫn làm những thủ tục cần thiết trước khi giao cho các chủ sử dụng lao động tiếp nhận để đưa về làm việc tại các nhà máy khác nhau ở Thái Lan.

Đây là những lao động Campuchia đầu tiên sang Thái Lan làm việc kể từ khi đảng Puea Thai (Vì nước Thái) giành thắng lợi trước đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hôm 3/7 - động thái được cho là sẽ mở đường đưa bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, lên làm nữ thủ tướng đầu tiên của xứ "Chùa Vàng."

Trong cam kết đưa ra khi tranh cử, bà Yingluck từng khẳng định sẽ nâng lương tối thiểu của người lao động lên 300 baht/ngày (tăng 40% so với hiện nay). Nếu được thực hiện, mức lương mới này không những sẽ tạo động lực cho chính người lao động Thái Lan, mà còn góp phần thu hút lao động nước ngoài, trong đó có Campuchia, sang làm việc hợp pháp tại Thái Lan.

Trong một diễn biến khác, báo chí Thái Lan dẫn lời Chỉ huy trung đoàn đặc nhiệm số 23, Đại tá Thanasak Mitrapanont cho biết quân đội Thái Lan đã triển khai thêm binh sĩ tới khu vực biên giới tranh chấp với Campuchia, đồng thời lệnh cho các đơn vị đóng quân tại đây nâng cao cảnh giác.

Theo Đại tá Thanasak, mệnh lệnh trên được đưa ra sau khi có tin nói rằng quân đội Campuchia vừa tăng cường lực lượng cùng xe tăng, pháo và nhiều vũ khí hạng nặng tới khu vực gần đền Preah Vihear, đối diện với làng Sao Thong Chai, huyện Kantharalak, tỉnh Si Sa Ket của Thái Lan.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Indonesia đã cử một phải đoàn khảo sát gồm 15 người tới huyện Kantharalak và huyện Phanom Dongrak thuộc tỉnh Surin để đánh giá tình hình thực tế tại đây.

Dự kiến, đoàn khảo sát sẽ làm việc trong 6 tháng trước khi Indonesia chính thức cho triển khai nhóm quan sát viên tới khu vực này với nhiệm vụ giám sát hoạt động của binh sĩ hai nước tại khu vực biên giới tranh chấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục