Đề nghị công nhận hoàn thành Lọc dầu Dung Quất

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội chấp thuận xem xét công nhận kết thúc công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tại Hội nghị giám sát việc thực hiện Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, chiều 18/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội chấp thuận kiến nghị của Chính phủ xem xét công nhận kết thúc công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ủy ban này cũng đề nghị kết thúc việc hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ và thực tế thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường  việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, để thảo luận, đóng góp ý kiến, hoàn thiện báo cáo chính thức cuối cùng trình lên kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII tới đây.

Báo cáo tổng kết tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo sát sao chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bám sát chủ trương được Quốc hội thông qua. Nhờ vậy, Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi đang đem lại hiệu quả kinh tế cao với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 7,66% (cao hơn IRR 5,87% như tính toán vào thời điểm 2005).

Bên cạnh đó, dự án còn mang lại ý nghĩa lớn về mặt chính trị, quốc phòng, an ninh và xã hội. Sau 13 năm triển khai các nghị quyết của Quốc hội về dự án số 1 Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án đã hoàn thành cơ bản tất cả các gói thầu, hạng mục, đã được chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định 100% công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam; đáp ứng 30% nhu cầu thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu, giảm nhập siêu, tiết kiệm ngoại tệ.

Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công nghệ tiên tiến, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, phòng chống cháy nổ và môi trường, chất lượng công trình đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng chính thức nghiệm thu đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, tổng giá trị quyết toán dự kiến và vốn đầu tư lưu động ban đầu (43.800 tỷ đồng) thấp hơn tổng mức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (51.720 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, dự án bị chậm tiến độ xây dựng 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 và Quyết định số 514/TTg của Thủ tướng Chính phủ; chậm 7 tháng so với tiến độ đã cam kết trong hợp đồng EPC.

Thêm vào đó, dự án đi vào hoạt động thương mại nhưng vẫn còn một số tồn tại kỹ thuật của gói thầu EPC số 1 và một số vấn đề di dân, đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, công tác quản lý dự án và cơ chế chính sách đầu tư xây dựng vẫn bộc lộ những hạn chế dẫn tới một số vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án chưa được xử lý kịp thời và còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước.

Tại hội nghị này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là đúng đắn. Về hiệu quả của dự án, ủy ban khẳng định mặc dù hiệu quả kinh tế riêng lẻ của nhà máy không cao nhưng dự án đặt trong tổng thể phát triển kinh tế của cả cụm công nghiệp với hàng loạt sản phẩm khác nhau thì mang hiệu quả kinh tế-xã hội là rất cao, góp phần hình thành một khu kinh tế Dung Quất, các tổ hợp dịch vụ và các ngành nghề khác.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh đây là báo cáo đầu tiên kết thúc một dự án quan trọng cấp quốc gia được Quốc hội thông qua về mặt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do dự án mới đi vào hoạt động chính thức nên trong khuôn khổ hội nghị, báo cáo trình Quốc hội cần tập trung vào các số nội dung trước mắt gồm đánh giá chủ trương đầu tư dự án; kết quả đạt được; vấn đề an toàn nhà máy, những kinh nghiệm rút ra và tồn tại của dự án và kiến nghị đối với dự án để hoạt động hiệu quả hơn. Vấn đề tài chính và hiệu quả dự án gắn liền với chủ trương đầu tư cần có thêm thời gian và thông tin đầy đủ hơn để có báo cáo đầy đủ sau này./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục