Đối phó với nguy cơ sạt lở đất ở miền núi phía Bắc

Các tỉnh miền núi phía Bắc chuẩn bị phương án 4 tại chỗ và chủ động việc di dời dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở.
Chiều 21/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương để triển khai công tác sẵn sàng đối phó với những diễn biến bất thường của bão số 2 (có tên gọi là Chanthu).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Trung ương, bão số 2 có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi.

Do đó, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục rà soát, kiểm đếm nắm chắc số tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh.

Các tỉnh miền núi phía Bắc chuẩn bị phương án 4 tại chỗ đề phòng mưa lũ gây chia cắt và chủ động triển khai việc di dời dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Tỉnh Quảng Ninh lưu ý tàu thuyền, khách du lịch, lồng bè nuôi trồng hải sản, dân cư ở khu vực thấp, trũng ven biển, khu vực gần các bãi khai thác than, các hầm lò. Đồng thời, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2 và đề phòng những diễn biến bất thường của bão.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.

Từ đêm nay (21/7), vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục