Độc đáo và tự hào

Sáng ngời và độc đáo đường Hồ Chí Minh trên biển

50 năm trôi qua, vẫn sáng ngời lịch sử và vẹn nguyên niềm tự hào về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và về "Đoàn tàu không số."
Những ngày tháng Mười sắp đến, đó là dịp chúng ta nhớ đến một sự kiện luôn khiến người  Việt Nam trào dâng xúc cảm, niềm tự hào về một đất nước có những chiến công lừng lẫy và độc đáo như những Điện Biên Phủ trên không và Đường mòn trên biển… Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nhìn lại 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Ra đi là xác định cảm tử Cách đây tròn nửa thế kỷ, khi đất nước đang bước vào cuộc chiến khốc liệt, song song với việc mở đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh Nam bộ tổ chức cho thuyền ra miền Bắc để thăm dò, kiểm tra, khảo sát luồng lạch, bến bãi, chuẩn bị cho một kế hoạch lâu dài vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tên gọi “Đoàn tàu không số,” con đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 150.000 tấn vũ khí, trang bị và 80.000 lượt cán bộ vượt biển vào Nam chiến đấu. Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường huyết mạch, nối liền hai miền Nam Bắc- Đây là con đường của niềm tin tất thắng, con đường tự hào của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong các năm hoạt động, đường Hồ Chí Minh trên biển có gần 2.000 lượt tàu, đi gần 4 triệu hải lý. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách. Xác định sứ mệnh ra đi là cảm tử. Nhớ lại lịch sử cũng là sâu nặng niềm tri ân với những người đã hy sinh cho hôm nay. Những liệt sĩ không có mộ bia đã cảm tử vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Theo đại tá Nguyễn Văn Bạch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh: “Có thể nói, những người vượt biển đầu tiên ra miền Bắc là những chiến sĩ cảm tử. Thuyền họ ra khơi phải cải trang thành những chiếc thuyền của ngư dân đánh bắt cá. Phương tiện đi biển của họ cũng không có gì ngoài một chiếc la bàn nhỏ. Và cũng chính họ sau đó trở thành những thủy thủ đầu tiên đi trên những con tàu ấy, vận tải vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam suốt 15 năm.” Ông Nguyễn Sơn, thủy thủ tàu Bà Rịa-Vũng Tàu, người có hai chuyến hành trình gian khổ ra miền Bắc trên con tàu bị hỏng máy và bị địch vây bắt  tâm sự: “Thiếu ăn, thiếu mặc khắc phục được; nhưng thiếu vũ khí thì không thể khắc phục được. Do vậy, khi được lệnh ra miền Bắc chuyển vũ khí vào Nam chúng tôi đi liền không hề do dự. Dù biết chuyến đi sẽ rất gian lao, vất vả.” Đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 – 1975), Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu những chương trình đặc sắc được phát sóng trên kênh VTV1 như  Phim tài liệu “Huyền thoại tàu không số,” chương trình truyền hình trực tiếp Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển vào 9h ngày 21/10/2011. Và cầu truyền hình trực tiếp “Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển” lúc 20h ngày 23/10/2011. Phim tài liệu "Huyền thoại tàu không số" Trên con đường huyền thoại trên biển Đông, Đoàn 759 với những con tàu làm nhiệm vụ đặc biệt trên con đường biển chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng trăm lượt tàu ra khơi, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc men và hàng chục ngàn lượt người từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn với những con người giàu lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Mỗi chuyến đi của những con tàu không số là một cuộc đấu trí căng thẳng, khốc liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với những khó khăn, thử thách... Có những đoàn tàu về bến an toàn trong niềm vui khôn xiết của đồng đội, nhưng cũng có những chuyến tàu đi mãi không trở về. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt, mưu lược của Trung ương và Bộ Chính trị, trên con đường huyền thoại trên biển Đông, những con tàu không số và những con người mưu trí, quả cảm đã góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Seri 10 tập bộ phim tài liệu "Huyền thoại tàu không số" là những hồi ức vinh quang của những hành trình bất chấp hiểm nguy, những câu chuyện cảm động được kể lại về cuộc chiến, về cuộc đời. Những tấm gương tình nguyện hy sinh, hóa thân vào biển. Tất cả họ đã làm nên bản anh hùng ca trên biển. Theo thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam, bộ phim tài liệu sẽ chân thực, rõ nét từ những nhân chứng sống kể lại và được thực hiện bởi một êkíp sản xuất chương trình nhiều kinh nghiệm. Khán giả truyền hình sẽ được xem 10 tập phim tài liệu "Huyền thoại tàu không số," phát sóng vào 21h30 thứ 2, 3, 5 trên VTV1, bắt đầu từ ngày 3/10. Bộ phim sẽ góp phần làm sáng huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trên biển mãi sáng ngời trong trang sử oanh liệt của dân tộc như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc giữ nước của quân dân Việt Nam, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay.

Đường Hồ Chí Minh trên biển- tuyến chi viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường huyền thoại, duy nhất có trong lịch sử chiến tranh nhân loại.

Con đường giúp bộ đội vận chuyển nhanh nhất, nhiều nhất, đỡ thiệt hại về người nhất trong chiến tranh giải phóng miền Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành con đường huyền thoại, được đánh giá là kỳ tích sáng tạo của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục