Tiếp xúc nhiều cử tri là nguyện vọng người ứng cử

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, tiếp xúc được đông đảo cử tri để vận động bầu cử là nguyện vọng của tất cả người ứng cử.
Ngày 18/5, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha về công tác tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của Mặt trận Tổ quốc các cấp, cũng như những nỗ lực nhằm tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với các hoạt động của đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ tới.

- Xin Phó Chủ tịch cho biết những đánh giá sơ bộ ban đầu về công tác tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của Mặt trận Tổ quốc các cấp?

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha: Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và phản ánh của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có thể có một số đánh giá bước đầu về công tác tổ chức các hội nghị cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử như sau:

Hầu hết các địa phương đều tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri đúng thời gian quy định. Số lượng cử tri tham dự ở nhiều địa phương rất đông đảo, có hội nghị thu hút hàng trăm người tới dự; thành phần cử tri dự các hội nghị cũng rất đa dạng. Các ý kiến cử tri đều rất tâm huyết, có tính xây dựng cao, phần nhiều xuất phát từ mong muốn xây dựng Quốc hội, Hội đồng Nhân dân ngày càng chất lượng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Chương trình hành động của những người ứng cử đa số đều được chuẩn bị rất công phu, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, quyền và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, đồng thời gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ về kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước.

Không khí nhiều hội nghị cử tri rất sôi nổi, thẳng thắn nhưng cũng rất xây dựng, có sự trao đổi, đối thoại giữa cử tri với những người ứng cử. Tuyệt đại đa số người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đều thực hiện đầy đủ số cuộc tiếp xúc như hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tuy nhiên, do có khó khăn về kinh phí, địa điểm tổ chức hội nghị tiếp xúc chật chội nên một số nơi chưa mời được nhiều cử tri đến dự. Một số hội nghị tiếp xúc do kết hợp cùng một lúc cả những người ứng cử hai cấp nên số người ứng cử đông, thời gian đọc tiểu sử, thời gian để những người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình chiếm quá nửa thời gian của hội nghị, vì thế mà nhiều cử tri muốn tiếp tục trao đổi, thảo luận mà không bố trí được.

Cá biệt có một số người ứng cử có tâm trạng cho rằng mình không phải là cơ cấu "cứng" nên chuẩn bị chương trình hành động sơ sài, trình bày theo lối buông xuôi... Dù còn một số tồn tại như trên nhưng tôi cho rằng đợt tiếp xúc cử tri của những người ứng cử để vận động bầu cử vừa qua về cơ bản đã đảm bảo tốt những yêu cầu đề ra.

- Trong quá trình thực hiện quyền vận động bầu cử, một vài nơi đã xuất hiện hiện tượng người ứng cử thực hiện những đợt làm từ thiện, tặng quà cho cử tri... Điều này có ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri khi cầm lá phiếu bầu hay không, quan điểm của Mặt trận Tổ quốc về vấn đề này như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha:
Việc một số người ứng cử tặng quà, làm từ thiện cho cử tri và nhân dân nơi mình ứng cử không thể nói là không ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri trong việc lựa chọn bỏ phiếu cho ai. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự ảnh hưởng cũng không lớn lắm, bởi lẽ mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có hàng vạn cử tri và không phải ai cũng dễ bị tác động…

Quan điểm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này rất rõ ràng: Việc vận động bầu cử phải theo đúng quy định pháp luật đó là "Công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử…"; "Không được dùng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri" - Điều 12 Nghị quyết 1020/2011-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Trong quá trình thực hiện quyền vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ở một số tỉnh như Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, có một số người ứng cử đã tiếp xúc cử tri từ 15 cuộc trở lên, trong khi nhiều tỉnh chỉ bố trí được 10 cuộc, thậm chí có tỉnh dưới 10 cuộc. Vậy thì có công bằng giữa những người ứng cử trong cơ hội được tiếp xúc đông đảo cử tri không, thưa Phó Chủ tịch?


Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha: Tiếp xúc được đông đảo cử tri để vận động bầu cử là nguyện vọng của tất cả những người ứng cử. Việc định ra số lượng tối thiểu 10 cuộc tiếp xúc xuất phát từ mấy lẽ sau đây:

Do rút kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước đây, thông thường các địa phương phía nam tổ chức được nhiều cuộc hơn so với các địa phương phía bắc.

Do tâm lý của cơ quan đứng ra tổ chức các hội nghị tiếp xúc (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) thông thường chỉ muốn làm ít đi (để đỡ vất vả, đỡ chi phí chẳng hạn), trong khi tâm lý của người ứng cử muốn càng nhiều cuộc càng tốt.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi thấy chọn tối thiểu 10 cuộc là một con số có thể chấp nhận được từ các phía và trong thực tế tuyệt đại đa số các địa phương đều thực hiện rất tốt điều này. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dù công việc rất bận nhưng vẫn bố trí để dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, làm gương cho những người ứng cử ở các ngành, các cấp noi theo.

Theo tôi, chúng ta cũng không nên tuyệt đối hóa số lượng các cuộc tiếp xúc để cho rằng ai được lợi hơn ai, bởi lẽ tiếp xúc cử tri qua các hội nghị chỉ là một trong ba hình thức vận động bầu cử (qua các hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức; qua việc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua việc tiếp xúc với cử tri nơi người ứng cử công tác) như Nghị quyết 1020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định.

Với sự năng động và hấp dẫn của hệ thống thông tin đại chúng và sự quan tâm sâu sắc của rất nhiều cử tri đối với cuộc bầu cử, tôi nghĩ việc người ứng cử chuẩn bị tốt mọi mặt để xuất hiện một cách tự tin, chân thành trên các đài phát thanh, truyền hình, các báo viết ở địa phương sẽ thu hút rất đông đảo sự ủng hộ của cử tri nơi mình ứng cử.

- Xin Phó Chủ tịch cho biết Mặt trận Tổ quốc sẽ thực hiện những biện pháp gì nhằm tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong ngày bầu cử 22/5 tới, cũng như đối với các đại biểu Quốc hội trong cả nhiệm kỳ tới?

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha: Công tác giám sát của Mặt trận trong ngày bầu cử sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và theo đúng quy định pháp luật về bầu cử. Theo đó, Mặt trận sẽ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của tổ bầu cử, các thành viên tổ bầu cử sao cho đúng luật, tạo điều kiện tốt nhất để mọi cử tri thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử.

Ngoài ra, Mặt trận cũng sẽ giám sát việc đi bầu cử của cử tri nhằm tránh tình trạng bầu thay như đã xảy ra ở một số địa phương trong các cuộc bầu cử trước đây. Việc giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng sẽ được thực hiện theo Luật tổ chức Quốc hội, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các văn bản pháp luật khác liên quan.

- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!/.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục