ADB: Kinh tế GMS đang đối mặt với thách thức

Theo các chuyên gia thuộc ADB, kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) tăng trưởng khá nhưng đang đối mặt với thách thức.  
Phát biểu tại một cuộc hội thảo quốc tế về Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) vừa diễn ra ở Bangkok, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen Groff nhận xét rằng nhu cầu đối với lương thực trong tiểu vùng có thể tăng 20-50% vào năm 2030. Điều này buộc các nước GMS phải vượt qua thách thức trong nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng và khôi phục nguồn tài nguyên để kinh tế tăng trưởng bền vững.

ADB dự báo kinh tế của GMS - gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam cùng tỉnh Vân Nam và khu tự trị Guangxi Zhuang của Trung Quốc - sẽ tăng 4,5-9,5% trong các năm 2012-2016.

Trong khi đó, giám đốc bộ phận công nghệ sản xuất thuộc Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, Mark Rosegrant cho rằng an ninh lương thực có sẽ là vấn đề trong 50 năm tới và sẽ vẫn nằm ngoài tầm với của một số nước, nhất là Campuchia và Lào. Các nước GMS cần nhanh chóng hướng tới sử dụng hiệu quả cao hơn nữa trong ngành nông nghiệp và phải vượt khỏi những biện pháp sử dụng nước truyền thống bằng cách cải cách phương cách quản lý nguồn nước.

Hiện nông nghiệp là ngành đang sử dụng nhiều nước nhất, trong khi sản xuất lương thực chắc sẽ bị tác động trước nhu cầu đang gia tăng về đất đai và nguồn nước của các ngành và lĩnh vực khác.

Theo Phó Chủ tịch Groff, nâng cao hiệu quả sử dụng, khôi phục và khai thác nguồn tài nguyên cũng như bảo vệ chất lượng môi trường đang là thách thức đối với các nước GMS, trong khi tiếp tục tạo thêm việc làm và phát triển kinh tế bền vững.

Theo ông Arjun Thapan, chủ nhiệm WaterLinks thuộc ADB, nhu cầu đối với lương thực trong khu vực gia tăng không chỉ do dân số tăng lên mà cả vì sự thay đổi trong khẩu phần và du lịch tăng trưởng. Còn nhu cầu đối với năng lượng dự kiến sẽ tăng 9-16%/năm./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục