Lưu ý các doanh nghiệp về FTA giữa Việt Nam-EU

Bên cạnh những lợi ích do Hiệp định EVFTA mang lại, Việt Nam có thể đối mặt với một số thách thức như cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0%...
Ngày 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU: Những nội dung doanh nghiệp cần lưu ý.”

Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA) Việt Nam-EU là Hiệp định thương mại tự do toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Việc ký kết FTA Việt Nam-EU được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, bao gồm miễn thuế với ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU, tăng khả năng thu hút nguồn vốn từ EU vào Việt Nam...

Bên cạnh những lợi ích, Việt Nam có thể đối mặt với một số thách thức về cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% với hầu hết các dòng thuế, mở cửa thêm thị trường dịch vụ, minh bạch hóa các quy định quản lý kinh doanh, đầu tư...

Ông Lê Triệu Dũng, Vụ phó Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết mục tiêu và danh mục đàm phán FTA Việt Nam-EU không dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác, gồm sở hữu trí tuệ, mua sắm công, phát triển bền vững.

Hiệp định mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng phát sinh nhiều thách thức phải nỗ lực vượt qua, nên ngay thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi, đóng góp ý kiến trong quá trình đàm phán FTA Việt Nam-EU để đảm bảo được lợi ích chính đáng, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng với lộ trình cắt giảm thuế, khai thác hiệu quả các ưu đãi khi FTA Việt Nam-EU được ký kết.

Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam, thương mại Việt Nam-EU được đánh giá là mang tính bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh. Do đó FTA Việt Nam-EU được ký kết trong tương lai sẽ tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Các nét bổ trợ của kinh tế Việt Nam-EU tạo điều kiện cho xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh; trong đó năm 2012 tăng 22,5% so với năm trước, năm 2011 tăng 45,5% so với năm trước; còn nhập khẩu từ EU duy trì tăng trưởng qua các năm 2012 (13,3%), 2011 (18%).

Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu các ngành hàng sử dụng nhiều lao động như thiết bị điện máy, dệt may, giày dép, càphê, thủy sản còn nhập khẩu chủ yếu sản phẩm công nghệ cao, cơ khí, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải./.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục