Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm toàn xã hội

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, cần có sự vào cuộc của truyền thông, tòa án, cơ quan quản lý Nhà nước.
Sáng 2/2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội thảo về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Góp ý vào dự thảo Luật, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đây là một luật có tác động đến từng người, từng gia đình. Sự ban hành Luật là rất cần thiết để góp phần điều chỉnh mối quan hệ giao dịch đang trở nên phổ biến trong kinh tế thị trường và hội nhập.

Mặt khác, cũng cần chú trọng và tập trung vào hướng coi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, cần có sự vào cuộc của truyền thông, tòa án, cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu được Quốc hội thông qua, đây là văn bản pháp lý đầu tiên trực tiếp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Giới thiệu những nội dung chính, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cho biết, dự án Luật gồm 8 chương, 68 điều, tập trung quy định các nội dung liên quan tới trách nhiệm của thương nhân trước, trong và sau khi giao dịch với người tiêu dùng; các phương thức mà người tiêu dùng có thể thực hiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo ông Bạch Văn Mừng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phải sử dụng cả hệ thống luật pháp và huy động sự tham gia của rất nhiều cơ quan. Hiện có nhiều luật ảnh hướng đến người tiêu dùng (theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp).

Người tiêu dùng cá thể trong mối tương quan với người sản xuất – kinh doanh được coi là ở vị trí yếu thế. Vì vậy pháp luật phải ưu tiên bảo vệ người yếu thế, nhưng cũng đảm bảo cân bằng với người sản xuất.

Những vấn đề được các đại biểu quan tâm bàn thảo tập trung vào đối tượng phạm vi điều chỉnh, theo hướng muốn bảo vệ người tiêu dùng ở cấp độ cao hơn; quản lý hợp đồng mẫu (do 1 bên tự soạn thảo và buộc bên kia phải ký, mà ko có thương thảo) của các mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra còn các vấn đề liên quan tới giải quyết tranh chấp bằng thương lượng 2 bên, hòa giải (có sự tham gia của bên thứ 3); xử lý bằng phương pháp trọng tài; tòa án (trên thực tế không đi vào thực tiễn vì tốn nhiều công-tiền nên sẽ khiến người tiêu dùng không mặn mà nên đã đưa vào phương thức giải quyết rút gọn); tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng….

Theo tiến sĩ Hoàng Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học (Viện nghiên cứu lập pháp), mặc dù đã có quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số luật nhưng các quy định này mới nằm rải rác, chưa được hệ thống hóa thành văn bản chính thống, chế tài áp dụng chưa rõ, chưa mạnh, chưa xác định rõ cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, ban hành Luật này là cần thiết.

Phó giáo sư-tiến sĩ Phạm Tất Thắng, chuyên gia Viện nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định về đối tượng, phạm vi áp dụng, trách nhiệm và quyền hạn các bên giao dịch là hợp lý.

Tuy nhiên, trong Luật chỉ giới hạn thương nhân là “có đăng ký kinh doanh”, trong khi số đối tượng không có đăng ký kinh doanh rất lớn nên cần nghiên cứu mở rộng thêm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Việc quy định trách nhiệm về phía thương nhân là cần thiết, nhưng quy định phân cấp trong quá trình xử lý trong hệ thống Nhà nước, các bên liên quan thì cần rõ hơn để luật có tính khả thi cao.

Mặc dù đứng về phía yếu để bảo vệ nhưng cũng cần có nội dung quy định trách nhiệm của người tiêu dùng với thương nhân, vì thực tế thời gian qua cũng có những trường hợp người tiêu dùng vì lợi ích cá nhân hoặc bị lôi kéo đưa thông tin sai lệch về sản phẩm làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp.

Phó giáo sư-tiến sĩ Phạm Tất Thắng góp ý thêm, chương 7 có nêu các hình thức xử phạt hành chính là rất cần thiết, nhưng trong Luật nên cân nhắc tùy tính chất, mức độ vi phạm và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền xử phạt cho thật rõ ràng; tránh tùy tiện trong xử phạt, sẽ gây ra sự thiếu công bằng.

Cũng cần cân nhắc việc Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội nhưng lại được đưa ra các phán quyết và yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện theo phán quyết thì chưa hợp lý.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đồng tình, thông tin tuyên truyền là rất cần thiết để người tiêu dùng dự bảo vệ mình, nên dự thảo Luật cần bổ sung quyền được thông tin giáo dục cho các Hội bảo vệ người tiêu dùng.

Mặt khác, cần quy định chặt chẽ việc thành lập và quản lý các trung tâm hòa giải, vì có thể bị lợi dụng để làm lợi cá nhân. Chủ tịch Hội đo lường Việt Nam Nguyễn Chí Long đề nghị làm rõ vai trò trách nhiệm của cả hệ thống, như cấp ủy ban xã, quận… để việc áp dụng Luật mạnh mẽ hơn.

Ông Long cũng cho rằng tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực chất là tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhà nước giao các trung tâm hòa giải quá nhiều quyền mà không có quy định chặt chẽ có thể sẽ xảy ra việc lợi dụng, lạm quyền./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục