Các tỉnh Tây Nguyên đầu tư cho công trình thủy lợi

Các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng trên 2.038 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, với 4.989km kênh mương đã được kiên cố hóa.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng trên 2.038 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, với 4.989km kênh mương đã được kiên cố hóa; trong đó có 1.035 hồ chứa, 974 đập dâng còn lại là các trạm bơm, đảm bảo 70% diện tích các loại cây trồng hàng năm có nhu cầu tưới nước được tưới nước.

Tại các địa phương có các công trình thủy lợi, không những diện tích cây lúa nước ngày càng được mở rộng mà còn tăng năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng gấp hai đến ba lần so với những vùng không tưới nước, dựa vào nước trời là chính. Chỉ riêng cây lúa nước trong vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu, ở những địa bàn chủ động được nguồn nước đều đạt năng suất từ 60 đến 70 tạ thóc/ha.

Ngay tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), trước đây khi chưa có công trình thủy lợi Ea Súp thượng, hàng năm bỏ hoang hóa hàng chục nghìn héc ta. Thế nhưng, sau khi có công trình thủy lợi, với hệ thống kênh mương từng bước được kiên cố hóa, hàng năm, Ea Súp đã nâng diện tích gieo sạ cây lúa nước trong cả hai vụ (Đông Xuân và Hè Thu) tăng lên hàng chục nghìn hécta và trở thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh Đắk Lắk.

Đối với diện tích càphê ở những vùng chủ động được nguồn nước đều đạt năng suất từ 3,5 đến 4 tấn càphê nhân/ha, trong khi càphê không đủ nước tưới chỉ đạt 0,5 đến 1 tấn càphê nhân/ha.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, ở Tây Nguyên, phần lớn là các công trình thủy lợi nhỏ nhưng đưa vào khai thác, sử dụng đã lâu (phổ biến từ 25 năm trở lên), xây dựng không hoàn chỉnh, không đồng bộ, thiếu vốn để duy tu bảo dưỡng nên đã xuống cấp, hư hỏng, nhiều công trình không đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho các loại cây trồng.

Đặc biệt, toàn vùng Tây Nguyên có trên 551.669ha càphê nhưng diện tích càphê được tưới chủ động cũng chỉ mới có 73.928ha, số diện tích càphê còn lại các nông hộ tự lo tưới bằng các công trình tạm, tưới bằng giếng khoan…

Các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Nhà nước hàng năm tăng thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các địa phương tu bổ, sửa chữa lại các công trình thủy lợi đã xuống cấp đồng thời ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm như Krông Búk hạ, hồ Krông Pắk thượng, hồ Ea H’Leo, Ya Mơ, cụm công trình Ia Bang, Ia Rơ Dung…nằm trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng và nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Đắk Lắk là một trong những địa phương được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, với trên 643 công trình nhưng hiện nay cũng chỉ có 70% diện tích các loại cây trồng có nhu cầu tưới nước được tưới nước./.

Quang Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục