“Đầu tư quỹ tại Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội”

Năm 2012 được dự báo là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Cơ hội nào cho các quỹ đầu tư giải ngân vào thị trường Việt Nam? Bên lề "Ngày hội các Nhà đầu tư 2012“ diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc Aureos Capital Việt Nam Đặng Doãn Kiên lại thể hiện một cách nhìn nhận khác: "Thông thường thì khi khó khăn bất ổn, sẽ càng nhiều cơ hội và cũng nhiều rủi ro. Tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong năm 2012. Vấn đề là có gặp được nhau hay không thôi."
“Tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong năm 2012. Cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp sẽ có nhiều lên, song vấn đề là có gặp được nhau hay không thôi,” ông Đặng Doãn Kiên, Giám đốc Aureos Capital Việt Nam đã trao đổi với Vietnam+ tại Hội thảo “Ngày hội các Nhà đầu tư 2012” do Tạp chí Doanh Nhân phối hợp cùng Vinabull, Công ty Le Bros và Kênh Info TV đồng tổ chức.

- Thưa ông, năm 2012 được dự báo là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vậy đâu là cơ hội cho các quỹ đầu tư giải ngân vào thị trường Việt Nam?

Ông Đặng Doãn Kiên:
Nhiều người cho rằng sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra những cơ hội đầu tư trong thời gian này, tuy nhiên cá nhân tôi lại thấy khác.Tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong năm 2012 và lẽ thông thường thì khi khó khăn bất ổn, sẽ càng nhiều cơ hội và cũng nhiều rủi ro. Cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp sẽ có nhiều lên, song vấn đề là có gặp được nhau hay không thôi.

Các doanh nghiệp hay những dự án kinh doanh ở Việt Nam thì có nhiều, song về quy mô và chiều sâu là hạn chế, do đó để tìm kiếm cơ hội chúng tôi phải mất một quá trình tìm kiếm lâu dài hơn. Đặc biệt là quá trình sàng lọc thẩm định đòi hỏi thời gian và kỹ hơn so với các thị trường ổn định khác.

Thêm vào đó, trình độ quản trị và quản lý của các doanh nghiệp đa số vẫn còn ở mức độ thấp. Ở góc độ một quỹ đầu tư hay một doanh nghiệp lớn mua lại một doanh nghiệp nhỏ, thì quá trình “thẩm thấu” vào nhau để rồi tạo ra lợi ích cộng hưởng cũng là không dễ dàng. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, sau khi hai bên qua được quá trình này rồi, thì hoạt động đầu tư thường mang lại kết quả kinh doanh khá tốt.

Một yếu tố được quan tâm tới rất nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường mới nổi như Việt Nam là các vấn đề của kinh tế vĩ mô, sự ổn định của môi trường và chính sách kinh doanh. Theo nhưng thống kê từ các thị trường thì thông thường hiệu quả một dự án đầu tư sẽ có tới 70% là được đóng góp từ thị trường vĩ mô nói chung và của cả ngành nói riêng, và chỉ khoảng trên dưới 20% là liên quan trực tiếp đến công ty, nói như vậy nghĩa là một nhà đầu tư nước ngoài nếu chọn được đúng thị trường nước nào rồi tới ngành nào là đã có được tới cả 70% lợi nhuận và của sự thành công.

Để kiếm được một công ty là ngôi sao trong một thị trường đang trong giai đoạn mới nổi không phải là dễ, ngay cả khi kiếm được rồi thì nếu nền kinh tế vĩ mô không thuận lợi thì tỷ suất đầu tư vẫn là dưới trung bình.

Do đó, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp, quỹ tài chính sau khi đầu tư vào dự án thì bản thân các dự án và công ty đều là tốt hết, phát triển tốt nhưng khi gặp những biến động không thuận lợi từ nền kinh tế vĩ mô (như biến động về tỷ giá hối đoái, chính sách…) thì ngay lập tức kết quả đầu tư lại bị “san phẳng”.

- Xin ông cho biết những tiêu chí khi các quỹ tài chính đưa ra quyết định giải ngân?

Ông Đặng Doãn Kiên: Thực ra mỗi quỹ có các tiêu chí (mandate) đầu tư khác nhau, có những quỹ đi vào từng ngành (y tế, khoáng sản,…), từng mảng (như bất động sản, cơ sở hạ tầng…), một vài quỹ PE thì lại đi vào các công ty sản xuất, xuất khẩu, hàng tiêu dùng…

Nhưng nhìn chung, ngoài những tiêu chí riêng của từng Quỹ thì các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thường có những tiêu chí cốt lõi khá giống nhau. Thẩm định một khoản đầu tư, bao giờ họ cũng rất chú trọng đến đội ngũ quản lý có khả năng xây dựng một hệ thống chuyên nghiệp không, quản trị doanh nghiệp minh bạch không, đội ngũ quản lý để mở rộng hoặc kế thừa. Ngày càng nhiều Quỹ quan tâm đến vấn đề đầu tư có trách nhiệm (SRI) liên quan tới môi trường, con người, xã hội và quản trị, ví dụ như doanh nghiệp đó có chế độ đãi ngộ cho người lao động thế nào, thực thi chính sách thuế có đầy đủ không hay hệ thống nước thải có tuân thủ không, nguồn gốc nguyên liệu….Sau đó là các yếu tố quan trọng khác mà chúng ta đều đã biết là định giá doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận kỳ vọng đáp ứng được tiêu chí của quỹ đó.

Mặc dù phần nhiều các quỹ nước ngoài đều xuất phát từ các nền kinh tế phát triển và ở đó có tiêu chuẩn rất cao và nghiêm ngặt liên quan tới môi trường và quản trị, tuy nhiên hầu hết các quỹ khi thâm nhập vào các thị trường địa phương đều áp dụng theo các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, chế độ đãi ngộ người lao động, quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh doanh theo chuẩn của Việt Nam là chính.

Tuy nhiên Việt Nam cũng là các thành viên của rất nhiều các tổ chức lớn như WTO, ASEAN, các chuẩn của Việt nam cũng cao và đang càng ngày càng tiếp cận với thế giới trong quá trình hội nhập của mình. Vấn đề là các doanh nghiệp thực thi các chuẩn đó hoặc các cơ quan quan lý giam sát hay kỷ cương các vấn đề đó như thế nào.

-  Theo ông, các quỹ tài chính nhìn ra những điểm lợi gì khi tham gia vào thị trường Việt Nam?


Ông Đặng Doãn Kiên:
Các quỹ đều nhìn nhận đầu tư vào Việt Nam là đầu tư vào thị trường mới phát triển, có rất nhiều cơ hội tăng trưởng vượt bậc và chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy vậy, một thị trường mới nổi cũng giống như cơ thể của một đứa trẻ. Khi còn nhỏ thì rủi ro về khả năng nhiễm bệnh là khá cao song đây lại là thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất. Đến tuổi trưởng thành, sức khỏe có thể ổn định hơn nhưng theo đó tốc độ tăng trưởng cũng sẽ chậm đi hoặc thậm chí là chỉ dậm chân tại chỗ.

Liên quan đến yếu tố về nội tại của Việt Nam, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng từ một nước đông dân, tỷ lệ dân số trẻ rất cao và cơ hội kinh doanh thường liên quan đến sản phẩm hàng tiêu dùng, hay các ngành mà đã là thế mạnh đặc thù của Việt Nam như nông sản, hải sản..., các ngành liên quan đến dịch vụ cho lớp trẻ và thị trường nội địa (thông tin liên lạc, phần mềm tiện ích cho điện thoại, giáo dục, sức khỏe, làm đẹp, mỹ phẩm...). Kể cả bất động sản nữa, mặc dù hiện nó đang rất khó khăn, nhưng về lâu về dài đây lại là ngành rất tốt.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung đều nhận thấy Việt Nam có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý (sông ngòi, biển) rất thuận lợi, con người Việt Nam chăm chỉ, chịu khó, cập nhật kiến thức nhanh… đó là những yếu tố nền tảng cơ bản rất tốt cho sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên tôi vẫn phải nhấn mạnh, yếu tố vĩ mô rất là quan trọng và hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều dè dặt với tình hình vĩ mô trong thời gian qua mặc dù đều đặt tin tưởng vào nền tảng phát triển và tương lai dài hạn của Việt Nam.

Về quỹ Aureos 2 của chúng tôi, thì quỹ vừa thu hút được khoảng 100 triệu, và chúng tôi vẫn đang tiếp tục quá trình huy động. Quỹ chúng tôi hoạt động trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Thailand, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam (Lào, Campuchia). Thị trường Việt Nam là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư vào Quỹ cũng như được phân bổ phần lớn số tiền mà chúng tôi huy động được. Tiêu chí của quỹ này là đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đi kèm với sự hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp và thị trường.

- Xin cảm ơn ông./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục