Biểu tượng lỗi thời?

Anh hùng Trung Quốc Lôi Phong đã trở nên lỗi thời?

Biểu tượng anh hùng của Trung Quốc trong những năm 1960, anh lính Lôi Phong, dường như không còn thu hút được giới trẻ nước này.
Một phong trào do chính phủ Trung Quốc phát động nhằm khuếch trương tinh thần xả thân quên mình của người anh hùng Lôi Phong, người qua đời cách đây 50 năm, đã không thu được hiệu quả như mong đợi từ cộng đồng mạng nước này. Lúc đương thời, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tuyên dương anh lính Lôi Phong làm điển hình tiên tiến vì tấm gương tận tụy, từ những việc nhỏ như việc giặt quân phục cho đồng đội hay quyên góp tiền lương cho người khó khăn. Để đánh dấu 5 thập kỷ kể từ khi Lôi Phong qua đời, Trung Quốc đã phát động chiến dịch quy mô lớn nhằm khuếch trương tấm gương của ông thông qua kênh báo chí chính thống, trong đó kêu gọi công dân Trung Quốc học tập theo gương Lôi Phong. Tuy vậy, theo AFP, cộng đồng mạng Trung Quốc đã tỏ ra khá hờ hững với phong trào này. Nhiều người cho rằng bài học mà Lôi Phong mang tới không có tác động nhiều với Trung Quốc thời hiện đại, với một bộ phận người dân đang ngày càng trở nên giàu có. “Nếu anh đang sống trong thời đại ngày nay, việc trở thành tỷ phú là điều bắt buộc. Việc tôn thờ một cá nhân trong sạch không phải là điều bắt buộc," một blogger viết trên mạng xã hội Sina phổ biến nhất tại Trung Quốc. Chiến dịch tuyên truyền học tập theo gương Lôi Phong đã được đẩy mạnh sau sự kiện ít nhất 18 người nhẫn tâm bỏ mặc một em bé 2 tuổi (bé Duyệt Duyệt) bị ôtô chẹt qua tại thành phố Phật Sơn hồi tháng 10 năm ngoái khiến cộng đồng mạng Trung Quốc sôi sục. Trong một bài xã luận, tờ China Daily nói rằng cái chết của bé Duyệt Duyệt cho thấy tấm gương Lôi Phong vẫn có giá trị. "Chúng ta luôn cần người hảo tâm và tinh thần của Lôi Phong là rất quan trọng với sự gắn kết của mọi xã hội," bài báo viết. Nhưng Hu Xingdou, giáo sư tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho rằng Lôi Phong đã lỗi thời và chính phủ nên khuyến khích các hoạt động từ thiện và quyên góp, dựa trên cơ sở tôn trọng những người nghèo và sự công bằng trong xã hội. "Việc học tập Lôi Phong là tốt, bởi nó giúp xã hội chúng ta không suy giảm đạo đức. Nhưng phương thức tuyên truyền theo kiểu cũ đã lỗi thời," ông nói. Tất nhiên, Lôi Phong vẫn được ưa thích tại một số vùng ở Trung Quốc và bức ảnh ông này mặc quân phục đã trở thành biểu tượng văn hóa pop, được gắn trên mọi thứ từ những chiếc túi cho tới những chiếc cốc. Hôm đầu tuần, hàng ngàn học sinh trong các bộ trang phục của những năm 1960 đã hát các ca khúc về sự hào phóng, rộng lượng, khi họ phát các tờ rơi tại ga tàu điện ngầm Thượng Hải để cổ súy cho tinh thần Lôi Phong, theo thờ Shanghai Daily. Các sàn giao dịch đã triển khai dịch vụ tư vấn miễn phí cho các nhà giao dịch nhỏ, hưởng ứng theo tinh thần vị tha của Lôi.

Giới trẻ Trung Quốc học tập tấm gương Lôi Phong (Nguồn: AFP)
Thậm chí còn có cả một bảo tàng trưng bày các hiện vật liên quan tới ông ở Đông Bắc Trung Quốc, nơi ông từng phục vụ quân ngũ. Lôi Phong tham gia Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào năm 1960. Ông qua đời vào tháng 8/1962 ở tuổi 22, sau khi một chiếc xe tải đâm phải một cột điện, khiến nó đổ vào người ông. Fang Guanlong, 63 tuổi, một công nhân đã nghỉ hưu, rất tôn thờ Lôi Phong và đã tập hợp hơn 3.000 hiện vật, từ huy hiệu tới những chiếc tem mang hình ảnh người lính trẻ, ở nhà ông. "Tôi hy vọng tinh thần Lôi Phong sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và sẽ giúp làm trong sạch đạo đức xã hội" - ông Fang nói. Trong khi đó, một số quan chức đã lên tiếng chỉ trích những người trẻ tuổi có xu hướng quay lưng lại với biểu tượng truyền thống. "Chất vấn và làm ô danh các hành hùng của những thập kỷ trước là một hiện tượng xấu trong thời đại Internet" -  đại biểu quốc hội Zhang Haidi nói với báo chí chính thống - "Có những con người rất giỏi trong việc tìm kiếm các khiếm khuyết của những anh hùng rồi mở các chiến dịch bôi nhọ họ"./.
Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục