Hội nhập kinh tế - Chuyện của mọi người

Hội nhập kinh tế không phải chuyện của Nhà nước, của mấy “ông” DN... mà đang tác động tới mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Nhiều người cho rằng, hội nhập kinh tế, vấn đề "vĩ mô" như thế là chuyện của Nhà nước và của mấy “ông” doanh nghiệp...

Nhưng thực tế, tiến trình hội nhập đã, đang và sẽ hàng ngày, hàng giờ tác động đến cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Vấn đề là chúng ta "giác ngộ" và tận dụng những cơ hội từ hội nhập đến đâu mà thôi.

Hãy bắt đầu từ câu chuyện của gia đình chị Hoa. Nguồn thu nhập chính của gia đình chị từ nhiều năm nay trông cả vào cửa hiệu tạp hóa ở khu vực đường Yên Sở, Hà Nội. Thế nhưng, kể từ khi siêu thị Metro mà chị "nghe nói của mấy ông người Đức" xuất hiện và trở thành "đối thủ" cạnh tranh với cửa hàng tạp hóa của chị thì việc làm ăn ngày càng khó khăn hơn.

"Kể từ khi có siêu thị Metro, cửa hàng tạp hóa của tôi vắng khách hẳn đi. Người dân quê tôi trước đây chỉ có thói quen mua hàng ở chợ thì nay lại thích đi siêu thị để sắm đồ, nhiều nhà còn sắm cái tủ lạnh to đùng để cuối tuần đi siêu thị chất đầy đồ vào đó dùng cho cả tuần. Thành thử, dân bán tạp hóa như chúng tôi làm ăn ngày càng khó. Cứ đà này, cửa tiệm tạp hóa của tôi cũng sớm đóng cửa mà thôi", chị Hoa than thở.

Metro chỉ là một trong số ít những đại gia siêu thị xuất hiện ở Việt Nam cùng với tiến trình mở cửa thị trường phân phối theo cam kết hội nhập. Với sự xuất hiện của các siêu thị ngoại, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì các siêu thị này, với tiềm lực tài chính mạnh, mạng lưới cung cấp hàng liên kết toàn cầu, kinh nghiệm kinh doanh cả trăm năm... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và phong phú của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, mặt trái của hội nhập là lại có không ít những người bán lẻ như chị Hoa, sẽ có không ít những siêu thị nội sẽ phải cạnh tranh khốc liệt, thậm chí bị phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với siêu thị ngoại.

Thực tế ở Thái Lan, Trung Quốc, những nước đã đi trước Việt Nam trong việc mở cửa thị trường phân phối đã cho thấy, nếu các đại gia phân phối như Wal-Mart xuất hiện thì trong vòng bán kính 3km, có thể chẳng cửa hàng tạp hóa nào còn "sống" được.

Hội nhập với mấy "ông" doanh nghiệp lại càng là chuyện sống còn. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ dạo này chạy "long tóc gáy" lo thủ tục để xuất lô hàng đồ gỗ mỹ nghệ đi châu Âu nhận xét: "Vào WTO rồi, thị trường rộng hơn, cơ hội rộng hơn nhưng thách thức cũng nhiều hơn. Làm hàng xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU... yêu cầu rất cao chứ không như làm hàng nội địa; chưa kể nay họ đưa ra yêu cầu này, mai lại có thêm yêu cầu khác.

Tuy nhiên, doanh nhân này cũng nhận thức rõ ràng "doanh nghiệp muốn “lớn” được thì vẫn cứ phải đi chợ thế giới chứ không thể đi chợ làng mãi được".

Khi gia nhập WTO - thị trường của 150 nước thành viên rộng mở, thuế suất đối với mặt hàng từ mức 30- 40% có thể giảm chỉ còn 5-10%, thậm chí thấp hơn; các hạn chế định lượng được bãi bỏ, hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam có vị thế bình đẳng trên thị trường thế giới; thưa kiện và tranh chấp được xét xử theo luật của WTO nên những doanh nghiệp có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, do sức cạnh tranh còn kém, không ít doanh nghiệp hễ nghe thấy hai từ hội nhập đã “toát mồ hôi”.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm lo lắng: "Mấy năm vừa rồi, thuế giảm chưa nhiều mà cánh gà Đức, đùi gà Mỹ, thịt bò Australia... đã tràn ngập thị trường khiến doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm lo lắng. Trong tương lai, thuế còn giảm nữa nên chúng tôi đang toan tính chuyện chuyển hướng kinh doanh".

Đã 3 năm Việt Nam gia nhập WTO, không phải nông dân nào cũng định nghĩa được hội nhập là gì. Nhiều người nông dân không thể hiểu vì sao những "cái hắt hơi" của thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU... lại ảnh hưởng tới đời sống, thu nhập của họ. Nhưng trên thực tế, những vấn đề hội nhập đang tác động đến đời sống của người nông dân Việt Nam.

Thực phẩm ngoại tràn vào cùng với việc giảm thuế gây sức ép lên thực phẩm nội, khiến những người chăn nuôi lợn ở Hưng Yên, Thái Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi giá lợn lại xuống. Các dòng thuế giảm xuống, không chỉ thực phẩm mà cả các loại quả ngoại từ nho Mỹ, táo Australia, xoài Thái Lan... cũng dễ dàng vào thị trường Việt Nam hơn…

Cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần với các nước và các tổ chức quốc tế.

Việc tham gia WTO, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương giúp doanh nghiệp được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước với mức thuế nhập khẩu được cắt giảm mạnh hơn, tạo điều kiện cho chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu luôn chiếm trên 60% GDP thì điều này là đặc biệt quan trọng, là yếu tố bảo đảm tăng trưởng đất nước.

Chỉ sau 3 năm hội nhập WTO, thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng nhanh bằng cả hàng chục năm trước đó cộng lại… Tuy nhiên, trong hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta không chỉ thu được những lợi ích mà phải chấp nhận cả những thách thức song hành.

Theo thông lệ quốc tế, trong làm ăn kinh tế giữa các quốc gia đều áp dụng một nguyên tắc ứng xử "có đi, có lại", có nghĩa khi các nước mở cửa cho chúng ta thì cũng đồng nghĩa với việc ta cũng phải mở cửa cho các nước nên cơ hội, lợi ích đến với chúng ta nhiều hơn nhưng áp lực cạnh tranh thì cũng lớn hơn. Các doanh nghiệp hiểu rõ hơn ai hết áp lực cạnh tranh của quá trình hội nhập.

Một doanh nghiệp nhận xét: "Trước đây, cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước, nhưng bây giờ cạnh tranh là ở thị trường toàn cầu và đối thủ cạnh tranh thì mạnh hơn chúng ta cả trăm lần, nghìn lần. Cần biết rằng, doanh thu của một tập đoàn quốc tế có thể ngang ngửa với tổng GDP của Việt Nam. Ngay trên sân nhà, cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn do thuế nhập khẩu phải cắt giảm ngày càng mạnh hơn".

Nói một cách hình ảnh, hội nhập kinh tế, nhất là khi đã vào WTO là chúng ta đã "đi từ sông ra biển".

Ra biển lớn cần hiểu biết và tôn trọng "luật hàng hải" quốc tế. Để bắt nhịp với hội nhập, các chính sách kinh tế đã được điều chỉnh theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn; nhiều văn bản pháp lý để thực hiện cam kết đa phương; mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ, cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước nhằm tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới đã được ban hành.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được ban hành; cải cách hành chính trong việc đăng ký kinh doanh và cấp phép; quy trình thủ tục xuất nhập khẩu đơn giản, nhanh chóng hơn, đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; khuyến khích các khu vực, các loại hình kinh tế phát triển mạnh.

Nhưng, sẽ là chưa đủ nếu những sự điều chỉnh chỉ diễn ra ở cấp độ vĩ mô. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhận xét: "Hội nhập không phải chỉ là chuyện của Nhà nước, doanh nghiệp mà cả người nông dân cũng phải quan tâm. Người nông dân nuôi cá tra, cá ba sa mà cứ dùng kháng sinh, trồng rau quả mà cứ dùng nhiều thuốc trừ sâu... là không hội nhập rồi. Bởi vì, các nước nhập khẩu rất quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa. Do đó, phải biến chuyện hội nhập thành ứng xử hàng ngày, ý thức hàng ngày đối với ngay cả bà con nông dân".

Thực sự là tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước đòi hỏi quyết tâm và sự chung sức của tất cả mọi người./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục