Lao động phổ thông đắt hàng tại TP Hồ Chí Minh

Trong năm nay, các doanh nghiệp ở TP.HCM cần tuyển khoảng 50.000 người, chủ yếu là lao động phổ thông ngành dệt may, da giày, lắp ráp.
Trong năm 2010, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 50.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, tập trung các ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp của các ngành trên thường xuyên diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động. Nguyên nhân là do mức lương không cao và điều kiện làm việc không hấp dẫn nên người lao động luôn “thay đổi” để tìm kiếm công việc có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trước đây giảm lao động do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nay dần hoạt động trở lại, mở rộng sản xuất nên có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động.

Tại các khu công nghiệp-khu chế xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.200 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5 tỷ USD.

Các khu công nghiệp-khu chế xuất hiện có 252.000 lao động, lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70%.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp-khu chế xuất đã tuyển dụng thêm được gần 21.400 lao động mới, Trung tâm giới thiệu việc làm của Ban Quản lý cũng đã giới thiệu thêm hơn 3.500 người.

Điều đó cho thấy, nguồn lao động hiện nay vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có chính sách đào tạo dài hạn, chính sách lương-thưởng, các khoản hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tạo điều kiện làm việc phù hợp để người lao động gắn bó lâu dài.

Ông Lâm Văn Tiếp, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý khu công nghiệp-khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Ban đang tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư mới, phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Giới thiệu việc làm của Ban với các doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong việc cung ứng lao động và đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu...

Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất đồng thời cũng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt là trả lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, đảm bảo an toàn lao động, sắp xếp ca sản xuất hợp lý... để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục