Chuyện vợ chồng... hổ

Chuyện vợ chồng... hổ ở “nhà tạm” thú hoang dã

"Hổ hung dữ khó chiều nhưng rất chung thủy" là nhận xét trìu mến của ông Nguyễn Văn Nhu về 3 đệ tử hổ ở Trung tâm cứu hộ động vật.
“Hổ hiếm khi bệnh tật nhưng hung dữ, khó chiều. Gầm một tiếng đã khiến người sởn tóc gáy. Ấy vậy, hổ lại rất chung thủy…”

“Sư phụ” Nguyễn Văn Nhu với biệt tài nuôi…hổ ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại Sóc Sơn, Hà Nội trìu mến nói về ba "đệ tử", chốc chốc lại chìa tay vào song sắt, vẫy vẫy…

Chỉ sau tích tắc, cô hổ tiến lại phía cánh tay của ông Nhu, ngửi… khịt khịt. Như nhận ra mùi quen thuộc, hổ ta nhấc chân trước vờn vẫy rồi cọ cọ má, kêu ư ử, làm nũng…

Chuyện đêm… tân hôn

Trong câu chuyện về 3 đệ tử… hổ của ông Nhu, có lẽ hấp dẫn nhất là chuyện tình của hổ.

Cánh phóng viên chúng tôi đều "há hốc mồm" khi "sư phụ" cho hay đôi hổ Đông Dương 1 và Đồng Nai đã nên duyên vợ chồng sau đêm... động phòng, đúng 22h ngày 2/1/2009.

Tủm tỉm cười, ông Nhu tiết lộ: “Một khi đã có vợ, thấy người lạ qua lại thấp thoáng, những chàng hổ cũng nổi máu… Hoạn Thư. Lúc đó, hổ ta sẽ giễu võ dương oai, gầm gừ, đi qua đi lại… khịt khịt. Chốc chốc, hổ nhảy chồm lên dọa kẻ lạ mặt như để ra hiệu đánh dấu lãnh thổ, sở hữu bạn tình. Đặc biệt, chàng hổ sẽ dữ nhất khi kẻ thứ ba xuất hiện lúc vợ chồng hổ… ân ái.”

Lợi hại hơn “mỗi ngày vợ chồng hổ có thể… mây mưa vài chục lần, đếm kĩ có khi đến cả trăm (?)".

Lời ca tụng của người đời về "nội công thâm hậu" của Chúa sơn lâm cũng chưa hẳn là võ đoán. Phải vì thế mà từ xa xưa cho đến ngày nay, cánh đàn ông vẫn bỏ nhiều tâm sức "lùng" bằng được cao hổ cốt.

Có điều là “độ yêu” của hổ lại tỉ lệ nghịch với sự đậu thai. Mỗi lứa, “nàng” hổ sinh được từ ba đến bốn con và chỉ một hay hai hổ con sống sót và trưởng thành.

Nghe chuyện kể thi vị vậy thôi, tìm hiểu kỹ “con đường tình” của vợ chồng... hổ cũng lắm nỗi gian nan.

Theo ông Nhu, ban đầu, ở trung tâm có một cặp hổ giống Đông Dương. “Chàng” tên Đông Dương 1, “nàng” là Đông Dương 2. Cô hổ còn lại giống lai tạp, tên Đồng Nai.

Lạ thay, trong mấy tháng trời bị nhốt chung, đôi hổ giống Đông Dương vẫn không… bén duyên. Theo dõi một thời gian, hóa ra cặp hổ này chính là… anh em, sinh cùng một mẹ.

Không bỏ cuộc, ông Nhu quyết định mạo hiểm, làm “mối” con Đồng Nai với Đông Dương 1. Thế nhưng, ông cũng nhận ra rằng, rủi ro là khá lớn vì Đồng Nai là một “cô nàng xấu xí”, bộ lông do nấm làm trơ trụi, đã thế lại là giống hổ khác.

Sau ba ngày ở cùng một nhà, Đông Dương 1 và Đồng Nai đã nảy sinh… tình cảm. Mọi người đều khấp khởi hi vọng sau đêm tân hôn, vợ chồng… hổ sẽ có “tin vui” trong mùa xuân này.

Ông Nhu cũng cho biết “vốn tính thích thay đổi chỗ ở nhưng hổ lại khá bảo thủ trong đời sống lứa đôi. Nếp sống một vợ, một chồng rất phổ biến trong xã hội loài hổ. Hẳn vì vậy mà các nàng hổ dường như chẳng bao giờ cần phải ... trổ tài làm "sư tử Hà Ðông".

Xuất ngoại cấy... lông Cọp

Ly kỳ chẳng kém, là hành trình sang tận London cấy… lông cho con Đồng Nai.

Ông Nhu kể lại: “Con Đồng Nai được đưa từ miền Nam ra trung tâm với tình trạng… trụi lông. Nhiều tháng mày mò, vái thầy bốn phương, vận dụng đủ thuốc đông tây, kim cổ nhưng con Đồng Nai vẫn nham nhở, trơ troác…”

Vì lưỡi và móng hổ chứa rất nhiều vi trùng nên khi bị thương ngoài da, hổ sẽ liếm khiến vết thương càng loét rộng và nhiễm độc nặng hơn.

Chạy chữa thầy “ta” chán, mà lông của Đồng Nai vẫn không tài nào mọc trở lại, trung tâm quyết định tìm đến thầy “tây”.

Ngày bác sỹ thú y người nước ngoài đến “bắt mạch” cho Đồng Nai, ai ai cũng khấp khởi hy vọng. Nhưng không những Đồng Nai không mọc nổi một cọng lông nào mà còn... bốc mùi nồng nặc.

“Cuộc đời tôi gần 20 năm chăm sóc thú quí hiếm, trách nhiệm như thòng lọng cứ lủng lẳng ở cổ… Nuôi được con hổ khỏe mạnh khéo chẳng ai biết nhưng giữ một con hổ ốm thì là chuyện tày trời.” Vì vậy, ông  Nhu đánh liều… hiến kế với lãnh đạo trung tâm phải đưa mẫu lông của Đồng Nai sang London xét nghiệm, tìm ra đúng bệnh để điều trị, mong qua được cơn "bĩ cực".

Sau một thời gian, London hồi âm rằng Đồng Nai đang nhiễm một loại nấm lông, do bị nuôi nhốt nên không có khả năng tự phục hồi như trong môi trường tự nhiên hoang dã.

Gần nửa năm điều trị theo liệu pháp và các loại thuốc "ngoại", lớp da lở loét, bốc mùi của Đồng Nai dần dần lành lại, cạnh vết thương cũ đã nhú lên những lớp lông tơ mới.

Nhìn thân hình Đông Nai được bao phủ lớp lông lốm đốm, những người ngày đêm nuôi... thú hoang dã ở trung tâm vui mừng khôn xiết.

Người “sư phụ” già cũng được thở phào nhẹ nhõm vì chuyện đem lông… hổ xuất ngoại tìm bệnh cuối cùng đã không bị uổng phí./.

Bài 2: Thâm nhập "hang cọp" bảo vệ... Ông Ba Mươi

Đặng Dương Châu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục