Người dân hưởng lợi từ chương trình bình ổn 2012

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, chương trình bình ổn thị trường là công cụ giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp giảm những cơn sốc tăng giá, gây bất ổn thị trường và là bước đệm để doanh nghiệp lấy lại thị trường nội địa.

Tại buổi sơ kết công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường năm 2012 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 29/5, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, Chương trình bình ổn cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp... là công cụ hữu hiệu giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tránh tình trạng đầu cơ trục lợi.

Kìm chân lạm phát

Qua 10 năm thực hiện, chương trình bình ổn thị trường của Thành Phố Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả thiết thực, 9 nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản với giá bán thấp hơn thị trường từ 5-10% đã có tác dụng định hướng thị trường trong những giai đoạn lạm phát tăng nhanh.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của chương trình bình ổn là tạo điều kiện đưa nguồn hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng nên không chỉ người dân nội thành mà cả các khu vực ngoại thành, các đối tượng thu nhập thấp đều được hưởng lợi từ chương trình.

Thông qua chương trình cũng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối, góp phần hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất-phân phối đến tiêu dùng.

"Chương trình đã góp phần ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội đặc biệt là giúp kiềm chế lạm phạt, cụ thể năm 2012 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố chỉ tăng 4,07% thấp hơn mức tăng của cả nước là 6,81%," bà Đào cho biết.

Đến thời điểm này, toàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có 6.439 điểm bán hàng bình ổn, trong đó chỉ riêng năm 2012 đã phát triển thêm được tới 2.448 điểm bán mới, đồng thời tổ chức trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động đến các khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa.

Hàng bình ổn cũng đã vào các trường học, công ty trên địa bàn thành phố sử dụng trong bếp ăn tập thể, cung cấp bữa ăn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp cho công nhân, học sinh.

Đáng chú ý, nhờ lượng hàng cung ứng khá dồi dào, chương trình đã hạn chế một cách hiệu quả tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá tùy tiện ở một số loại hình phân phối khác như chợ truyền thống, cửa hàng tạp phẩm...

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường không chỉ giúp điều tiết, kiềm chế tốc độ tăng giá những mặt hàng thiết yếu, mà còn giúp định hướng giá cả thị trường.

Cụ thể, ông Thắng cho hay, ngay tại những thời điểm sốt giá mà nguyên nhân chính là do đầu cơ, do tâm lý mua hàng... thì vai trò của chương trình bình ổn thị trường là tạo ra định hướng giúp kéo giá hàng hóa giảm trở lại.

"Mục tiêu của chương trình dự trữ hàng hóa không phải dùng doanh thu để áp đảo thị trường mà hướng tới việc điều tiết giá," ông Thắng nói.

Xã hội hóa bình ổn thị trường

Từ hiệu quả mà hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh đạt được thì đến năm 2012 (sau 10 năm thực hiện) đã có 45/63 tỉnh thành triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường với 300 doanh nghiệp tham gia.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết,  từ chỗ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, tới nay nhiều địa phương đã hướng tới việc bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, cho vận chuyển.

Đặc biệt, đối tượng hưởng lợi của chương trình không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (thông qua cơ chế tài chính và quảng bá hàng hóa) mà cả người tiêu dùng cũng được tiếp cận hàng bình ổn với chất lượng bảo đảm, giá bán hợp lý.

"Tôi khẳng định việc thực hiện chương trình này không phải là phi thị trường, bóp méo giá mà nhà nước chỉ cho mượn tạm một phần vốn nhàn rỗi để giúp doanh nghiệp dự trữ một số mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho các giai đoạn kinh doanh khó khăn," ông Võ Văn Quyền nói.

Nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị cũng đồng thuận đánh giá về hiệu quả của chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giúp định hướng về giá cả một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát trên qui mô cả nước thì chương trình này cần phải được thực hiện một cách bài bản hơn.

Theo ý kiến của bà Lê Ngọc Đào, thay vì dùng ngân sách của nhà nước thì chương trình Bình ổn thị trường cần được xã hội hóa một cách sâu rộng "Điểm mới của chương trình năm 2013 là Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự vào cuộc của các Ngân hàng thương mại để đóng góp vào sự thành công của chương trình," bà Đào cho hay.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, Chương trình Bình ổn thị trường đã đạt được những thành công bước đầu và được đánh giá là một trong những công cụ để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và xây dựng một chuỗi cung ứng hàng hóa đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

"Để tạo ra sức lan tỏa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa chương trình, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia," Thứ trưởng nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục