Tinna Tình - Biểu tượng mới của làn sóng nhạc rock

Trong làn nhạc thị trường, Bài hát Việt đã phát hiện ra Tinna Tình như biểu tượng mới của làn sóng nhạc rock trẻ trung ngày hôm nay.
Bị chìm lấp trong làn sóng nhạc thị trường nhưng Bài hát Việt đã phát hiện ra Tinna Tình như một biểu tượng mới của làn sóng nhạc rock trẻ trung của ngày hôm nay.

Trên đường từ Bắc Ninh về Hà Nội, nhạc sĩ Lương Minh cho tôi nghe một album có cái tên rất lạ “Mù tạt”.

Vốn không mấy để ý tới các “sản phẩm thị trường” nên dù cách đặt tên như thế là rất giỏi, tôi vẫn nghe nó một cách lơ đãng.

Đến bài thứ hai rồi các bài tiếp theo, “Mù tạt” lôi cuốn tôi dần. Bài hát, giọng hát, phần phối khí đã buộc tôi phải nghe lại. Tôi đã sai. Trong cái biển cả của dòng nhạc thương mại vẫn có một sản phẩm nghệ thuật khiến tôi phải ngạc nhiên.

Một album nhạc rock không giống bất cứ cái gì tôi đã từng nghe, giàu tính cá nhân, trong sáng và hướng nội - điều hầu như không có ở Việt Nam. Người hát đồng thời là tác giả có một cái tên lai - Tinna Tình.

Tôi có nghe nói loáng thoáng về người này khi chấm bài “Chiếc gương”, nhưng rồi cũng quên vì phải nghe liên tục hàng trăm bài, của hàng trăm người viết.

“Mù tạt” đã dựng lên chân dung một tác giả, một tác giả đàng hoàng. Một bài hát nghe lẻ không thể làm được điều đó. Hóa ra một nửa album “Mù tạt” đã được cô trình diễn trong các live show Bài hát Việt. Với “Chiếc gương”, “Vòng xoay”, “Hoa lài màu xanh”, “Trả lại cho tôi”, cô đã trở thành một phát hiện của Bài hát Việt.

Báo chí bắt đầu nói về Tinna Tình nhưng phần lớn là nói về con người vì cuộc đời cô có rất nhiều chuyện để kể. Còn điều quan trọng nhất là âm nhạc của Tình thì không ai đụng đến.

Tôi đã được nghe nhiều bài hát của Giáng Son, đằm thắm và nữ tính nhưng vẫn là một cái gì quen thuộc của một người có học. Tôi nghe Lưu Thiên Hương, chững chạc nhưng có phần lý trí và hơi thiếu riêng tư. Họ cũng là những phát hiện của Bài hát Việt. Một người mang hơi thở dân gian đương đại. Một người là rock, cũng như Tình.

Nhưng Tình khác biệt. Cấu trúc tác phẩm, cùng các vận động hòa thanh ít tính học thuật mà thường thì rất tự nhiên, đơn giản. Giai điệu không có vẻ đẹp uyển chuyển, tinh tế mà rất gần với nhạc tính của ngôn ngữ nói người Việt, một thứ “recitative” đương đại.

So với hai tác giả trên, Tình ít văn chương hơn trong cảm xúc và ca từ, nhưng không vì thế mà thiếu độ sâu sắc. Đoạn cuối của bài “Chiếc gương” là một ví dụ:

“...Chiếc gương vỡ tung rơi từng mảnh
nét mặt biến đi theo mảnh kính vụn
chiếc gương vỡ tung rơi từng mảnh
tâm hồn mỉm cười
và tôi lại là tôi”


Có lẽ vì thế mà tôi nghĩ rằng Tình có thể không hay hơn nhưng mà hiện đại hơn.

Một đặc điểm khác để có thể phân biệt cô với phần lớn các nhạc sĩ trẻ đương thời là cô không hướng ngoại, không nói tới những cái bên ngoài mình. Cô quan sát bản thân và nói chuyện với chính mình. Có lúc Tình thấy mình thật “lộn xộn”, thất thường:

“Có khi yêu người
có khi yêu đời
và nhiều lúc như muốn cười một mình
nhiều khi chợt nắng lên giữa đêm
nhiều khi chợt túi ta rỗng mềm
lang thang giữa trời mưa”
(Hoa lài màu xanh)

Một cách tự giễu mình thật trong sáng và cũng thật hóm hỉnh! Nhưng nhiều lúc Tình thật buồn, thật cô đơn trống trải:

“Cái gì đang đến với em đó
cảm giác nghẹn ngào khi đêm khuya mở mắt
thấy chiếc gối bơ vơ, chiếc áo không người mặc
nằm trên sàn nhà bên cạnh cây đàn mà anh bỏ rơi
.....
giờ áo anh cũng buồn
cây đàn cũng khóc
những bài hát dần dần mất đi...
(Chỉ vì...)

Và có cả những bế tắc mà cô không tìm được lối thoát. Cô đau đớn nhận ra cuộc đời mình là “... sống trong bốn bức tường mịt mờ, hàng ngày với bao giấc mơ không thành” - bức tường với “... những ô sắt trước mắt tôi, những ô sắt không bao giờ đổi màu, những ô sắt gỉ...”, để rồi “tìm trong góc phòng lối thoát của tôi, tìm chính mình trong bụi bặm” (Trả lại cho tôi).

Bài hát Việt đã phát hiện ra một con người như thế, một rocker như thế, còn bạn, bạn hãy tìm cho tôi, trong giới trẻ có ai viết như thế không, rất riêng tư, chân thật và cảm động nhưng lại cũng rất chung cho một thế hệ thanh niên đô thị đang đứng trước cái bất định của buổi giao thời.

Có thể Tinna Tình cũng chỉ là một hiện tượng nhất thời, và có thể không phải chỉ riêng cô, còn cả những hiện tượng khác mà Bài hát Việt đã dày công phát hiện và vun đắp.

Đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo về sự “hư hỏng” của một vài người. Từ chỗ lép vế đối với nhạc thị trường, qua Bài hát Việt, họ được “lăng xê” và bắt đầu có “thương hiệu”.

Có thương hiệu là bắt đầu kiếm tiền. Bán bài độc quyền cho ca sĩ (vài trăm đôla một bài), “viết mười bài có độ một hai bài thành công (có tính nghệ thuật) là được”. Tôi nghe tâm sự này từ một người trong số họ. Họ vẫn nghĩ rằng tận dụng cơ hội (thành danh qua giải thưởng Bài hát Việt) để chạy show, để bán bài kiếm tiền cũng chẳng có vấn đề gì.

Làm nghệ thuật phải đi bằng hai chân (chân thương mại và chân nghệ thuật) - Một ý kiến tưởng chừng rất hợp lý, nó bào chữa một cách thuyết phục cho sự xuống cấp của con người nghệ sĩ mà họ đang bắt đầu hình thành. Thế còn Tình, cô chẳng giấu diếm khi nói về một vài sự thay đổi của bản thân.

Trước kia không được ai biết đến, cô lầm lũi làm nghệ thuật một mình, sống hồn nhiên, đơn giản. Bây giờ “nổi tiếng rùi”, cô bắt đầu cảm thấy hình mình trên trang bìa các tạp chí tạo ra một lợi thế nào đó nên rất chăm làm người mẫu chụp ảnh thời trang để tận dụng sắc đẹp trời cho - điều mà trước đây cô không nghĩ đến.

Cái mà nhờ nó cô trở thành Tinna Tình, bây giờ có vẻ như không được xem trọng lắm: “Làm nghệ thuật mãi rồi nào có được cái gì đâu!” - Cô thở dài. Tất nhiên, Tình vẫn còn đủ tỉnh táo để biết rằng mình nói tầm bậy, mình đã sai.

Nhưng rõ ràng, cô đang hoang mang thật sự: “Bao nhiêu năm tôi đã theo tiếng gọi trong tim, bao nhiêu nước mắt tuôn rơi”, để đến bây giờ “chìm sâu nơi đêm vắng lặng, nhìn trong cay đắng... chợt nghe tâm hồn vỡ đôi khi mất mình trong thế giới điên cuồng”.

Và: “khi tôi lạc lối... niềm tin cho ngày mai trong tư duy tôi dần phai trước những đổi thay...” (Vòng xoay). Tất nhiên, Tinna Tình vẫn là Tinna Tình, vẫn trong sáng chân thật, vẫn chỉ muốn đi “bằng chân nghệ thuật” thôi.

Nhưng có vẻ như cô đang nao núng trước những đổi thay nho nhỏ. Nhận ra sự đổi thay không phải là dấu hiệu của sự buông xuôi. Nhưng nhận ra rồi liệu có “tìm lại (được) chính mình trong bụi bặm”? - Một câu hỏi không dễ trả lời đối với người có hoàn cảnh như cô, một con người đơn độc.

Mà không phải chỉ có cô, cả một thế hệ tác giả đang đứng trước cạm bẫy của tiền bạc và danh vọng, của những ham muốn vật chất không có điểm dừng. Nôn nóng kiếm tiền, nôn nóng kiếm tìm sự nổi tiếng trong khi làm nghệ thuật lại đòi hỏi có sự đầu tư công phu về tri thức, kỹ năng, văn hóa nền.

Để đáp ứng, cần có thời gian và sự tập trung cao độ, cần sự kiên nhẫn và bền bỉ (vì sự đào tạo trường qui mới chỉ cho ta chút vốn ban đầu, phải dành thời gian rất nhiều để tự học). Và trên tất cả, là một thái độ cực đoan trong việc coi trọng những giá trị tinh thần, dứt khoát không chấp nhận sự nửa vời.

Như thế quả là rất khó! Tôi biết một nhạc sĩ rất trẻ, cũng là một phát hiện của Bài hát Việt. Trong con mắt tôi, cô thật ngây thơ trong sáng và là một “tuyệt đối cực đoan” về mặt quan niệm nghệ thuật. Thế nhưng, tôi đã bắt gặp cô chạy show trong một show diễn rẻ tiền.

Biết làm sao bây giờ! Bài hát Việt phát hiện ra những nụ mầm, nhưng để bảo vệ, che chở, nuôi dưỡng nó không bị thui chột phải chính là đời sống. Với một đời sống như đang có, một đời sống hối hả cuộc đua “chạy trăm mét đến các giá trị vật chất”, liệu vài năm nữa Tinna Tình có còn là Tinna Tình của bây giờ?

Và những phát hiện khác của Bài hát Việt sẽ nằm ở đâu trong các bảng xếp hạng nghệ thuật? Liệu những tên tuổi như Lê Minh Sơn, Giáng Son, Võ Thiện Thanh, Lưu Hà An, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Duy Hùng, Sa Huỳnh, Thanh Tâm, Thành Vương, Nguyễn Hải Phong, Văn Phong, Tinna Tình... mươi năm nữa có trở thành tên tuổi như chúng ta mong đợi hay rốt cuộc cũng “thị trường hóa” nốt?

Đấy là những băn khoăn của những người yêu ca khúc Việt. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn tin vào họ. Và chúng ta cần phải tin vào họ, bởi dấu hiệu chưa phải là tất cả. Phẩm chất mà họ đã bộc lộ mới là điều quan trọng, chắc chắn sẽ giúp họ vượt qua những cám dỗ nhất thời./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục