Liên hợp quốc công bố gói hỗ trợ Liên minh châu Phi

Liên hợp quốc vừa công bố gói các hoạt động của cả hệ thống LHQ nhằm hỗ trợ toàn diện tăng cường năng lực của Liên minh châu Phi.
Liên hợp quốc vừa công bố gói các hoạt động của cả hệ thống Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ toàn diện tăng cường năng lực của Liên minh châu Phi (AU). Đây là gói hành động đầu tiên của Liên hợp quốc, bao gồm những biện pháp và cách thức để Liên hợp quốc hỗ trợ hiệu quả các nhu cầu nâng cao năng lực của AU và các cơ quan của liên minh này.

Gói hỗ trợ này nêu bật những thách thức về năng lực đối với AU và các lĩnh vực đặc biệt cần can thiệp để nâng cao năng lực theo yêu cầu của Ủy ban châu Phi (AUC).

Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi (UNECA) nhấn mạnh gói hỗ trợ của Liên hợp quốc nhằm vào các cơ quan của AUC và các chương trình nâng cao năng lực của Ủy ban này. Gói hỗ trợ trên cũng bao gồm các chương trình của 9 nhóm cơ quan Liên hợp quốc trong khuôn khổ Cơ chế phối hợp khu vực của Liên hợp quốc hỗ trợ AU, và những khuôn khổ có liên quan giám sát và đánh giá việc thực hiện các nỗ lực nâng cao năng lực của AU, vì các mục tiêu hòa bình và an ninh, phát triển và hội nhập.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Thư ký chấp hành UNECA, Abdoulie Janneh, cho biết hệ thống Liên hợp quốc sẽ chẩn đoán các nhu cầu nâng cao năng lực của AU và các chương trình hành động toàn diện giữa Liên hợp quốc và AU để đáp ứng những nhu cầu này thông qua cơ chế “chuyển giao một cửa” của các cơ quan Liên hợp quốc cho AU, và chương trình Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (NEPAD).

Các đối tác không phải Liên hợp quốc cũng có thể nhận thấy gói hỗ trợ toàn diện và kế hoạch hành động này của Liên hợp quốc cho AU là công cụ hữu ích để tham gia và cùng AU hưởng ứng các nỗ lực tăng cường năng lực của châu Phi.

Gói hỗ trợ mới này của Liên hợp quốc là sự tiếp nối tuyên bố tháng 12/2006 về “Tăng cường hợp tác Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi: Khuôn khổ chương trình 10 năm nâng cao năng lực cho Liên minh châu Phi” được ký giữa Tổng Thư ký Liên hợp quốc lúc đó là Kofi Annan và Chủ tịch Ủy ban châu Phi lúc đó là Giáo sư Alpha Konare.

Liên minh châu Phi khẳng định gói hỗ trợ toàn diện mới của Liên hợp quốc cho châu Phi có tầm nhìn xa và đổi mới, góp phần quan trọng định hình kế hoạch hành động của Liên minh này trong nhiều năm tới.

Liên minh châu Phi đánh giá cao đường lối tư vấn bình đẳng trong gói hỗ trợ của Liên hợp quốc để gói hỗ trợ này trở thành công trình chung của cả Liên hợp quốc và AU, cũng như trở thành công cụ quản lý tối ưu để các cơ quan của Liên hợp quốc và AU giám sát, đánh giá và khẳng định những tiến bộ trong thực hiện toàn bộ gói hỗ trợ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục