Tổng thống Bashir dẫn đầu cuộc bầu cử ở Sudan

Theo kết quả kiểm phiếu ở nước ngoài trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Sudan, đương kim Tổng thống Omar al-Bashir đã giành số phiếu áp đảo.
Theo kết quả kiểm các hòm phiếu ở nước ngoài trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ở Sudan, đương kim Tổng thống Omar al-Bashir đã giành số phiếu áp đảo.

Hãng thông tấn SUNA của Sudan ngày 16/4 dẫn kết quả kiểm phiếu tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cho thấy ông Bashir, ứng cử viên của đảng Đại dân tộc (NCP) cầm quyền, nhận được 4.826 phiếu trong khi các ứng cử viên khác chỉ có 574 phiếu.

Tại Ai Cập, ông cũng nhận được 2.616/2.955 phiếu. Tổng thống đương nhiệm Sudan giành thế thượng phong tại các nước khác như Kuwait, Qatar, Mỹ, Canada, Anh, Đức, Bỉ và Malaysia. Dự kiến kết quả đầy đủ cuối cùng sẽ được công bố ngày 20/4 tới.

Theo giới quan sát tại chỗ, nhiều khả năng Tổng thống Bashir sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ năm năm lần thứ 2.

Tuy nhiên, việc các đối thủ đáng gờm nhất của ông rút khỏi cuộc đua cùng các cáo buộc gian lận có thể đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp trong chiến thắng của đương kim Tổng thống.

Các quan sát viên địa phương lo ngại kết quả cuối cùng sẽ có thể làm bùng phát bạo lực.

Về phần mình, phe đối lập cũng cáo buộc có gian lận lớn và cảnh báo không chấp nhận kết quả chiến thắng lớn của đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, Liên minh châu Phi (AU) ngày 16/4 đã hoan nghênh cuộc bầu cử tại Sudan. Tuyên bố của Ủy ban AU đánh giá cao các nỗ lực của Ủy ban bầu cử Sudan (NEC) trong việc tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong 24 năm qua tại nước này.

AU cũng tái khẳng định sự ủng hộ kiên định dành cho nhân dân Sudan. Ngoài ra, Trưởng nhóm quan sát viên của Liên đoàn Arập (AL) tại Sudan, ông Salah Halima khẳng định các cuộc bầu cử vừa qua ở Sudan là "hình mẫu" cho sự trong sạch và công bằng. Ông nhận định cuộc bầu cử đã "kết thúc thành công và suôn sẻ."

Cuộc tổng tuyển cử ngày 11/4 vừa qua tại Sudan cũng bao gồm bầu cử quốc hội và hội đồng địa phương. Đây là một trong những điều khoản quan trọng trong thỏa thuận hòa bình năm 2005 nhằm chấm dứt 21 năm nội chiến tại đây, cướp đi sinh mạng của hai triệu người và buộc nhiều người phải đi lánh nạn.

Sau các cuộc tổng tuyển cử sẽ là một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho miền Nam Sudan, dự kiến tổ chức vào năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục