Thế giới nỗ lực giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định người khuyết tật cần được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ và cơ hội trên toàn thế giới.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định người khuyết tật cần được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ và cơ hội trên toàn thế giới đồng thời kêu gọi quốc tế nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng các xã hội tôn trọng tính đa dạng và hòa nhập.

Nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đã nêu rõ thách thức của thế giới là đem lại cho tất cả mọi người các quyền bình đẳng trong xã hội mà họ cần và xứng đáng được hưởng và điều này sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết người khuyết tật đã góp phần tạo nên các tác động tích cực đối với xã hội, nhưng nhấn mạnh các đóng góp của họ thậm chí có thể lớn hơn nếu tất cả mọi người xóa bỏ các rào cản đối với việc hòa nhập cuộc sống xã hội của người khuyết tật.

Theo ông, hội nghị cấp cao năm 2013 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về người khuyết tật sẽ đẩy mạnh hoạt động nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa các cam kết và hành động.

Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay đánh dấu Liên hợp quốc chính thức bắt đầu các công việc chuẩn bị cho hội nghị cấp cao diễn ra tháng 9/2013 tại trụ sở ở New York và xây dựng các mục tiêu phát triển mà các nước đề ra để thực hiện thành công chương trình giảm nghèo đói đã được ghi nhận trong các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) giai đoạn 2000-2015.

Hội nghị sẽ diễn ra khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy chương trình phát triển sau năm 2015, tạo cơ hội để bảo đảm các quyền, mối quan tâm và đóng góp của người khuyết tật được thực hiện đầy đủ.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện nay thế giới có hơn một tỷ người khuyết tật - chiếm khoảng 15% dân số thế giới. Liên hợp quốc đã thúc đẩy và chính thức công nhận Ngày Quốc tế người Khuyết tật từ năm 1992.

Năm 2007, tổ chức này đã ban hành Công ước về quyền của người khuyết tật để các nước thành viên ký kết. Năm 2008, công ước bắt đầu có hiệu lực và đến tháng 11 vừa qua đã có 126 quốc gia, tương đương 2/3 nước thành viên Liên hợp quốc, đã phê chuẩn văn kiện này.

Công ước thừa nhận những rào cản mà người khuyết tật đang phải đối mặt và khẳng định người khuyết tật có các quyền cơ bản trong việc tiếp cận và hòa nhập xã hội./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục