Tiền có dễ dàng chảy từ vàng sang chứng khoán?

Ngay sau khi có thông tin về việc đóng cửa các sàn vàng, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng dòng tiền trên trên sàn vàng đang có sự dịch chuyển về thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong cuộc lại có cách nghĩ khác và không dễ dàng ra quyết định dịch chuyển dòng tiền như dự đoán.
Ngay sau khi có thông tin về việc đóng cửa các sàn vàng, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng dòng tiền trên trên sàn vàng đang có sự dịch chuyển về thị trường chứng khoán. Tiếp đó là động thái tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index cùng với xu thế gia tăng số lượng và giá trị giao dịch trong các phiên đầu tiên của năm mới, khiến niềm tin “nguồn vốn đầu cơ” đang tập trung hướng về chứng khoán càng được củng cố.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong cuộc lại có cách nghĩ khác và không dễ dàng ra quyết định dịch chuyển dòng tiền như dự đoán.

Bản chất các dòng tiền chảy về sàn vàng

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), các nhà đầu tư vàng trên các sàn giao dịch tại VGB có thể chia thành ba nhóm.

Một là các chủ kinh doanh vàng vật chất, họ đánh đối ứng trên sàn tạo ra những dòng thanh khoản lớn. Bản chất của những người này là con nhà “nòi” kiểu cha truyền, con nối trong nghề kinh doanh vàng. Tiềm lực tài chính của nhóm này rất hùng mạnh. Ngoài ra họ còn có nhiều kinh nghiệm, am hiểu và nhạy bén về các biến động của vàng không những trong nước mà cả quốc tế. Nên để nói nhóm “đại gia này” chuyển sang đầu tư chứng khoán là khó xảy ra.

Nhóm thứ hai là các nhà đầu tư thông thường, trong số này có một tỷ lệ lớn trước đây đã từng đầu tư chứng khoán. Mặc dù  nhóm này có khả năng sẽ quay sang chứng khoán khi sàn giao dịch vàng đóng cửa, song không thể nói là tất cả. "Đã có rất nhiều lý do khiến một số nhà đầu tư rời bỏ chứng khoán sang kinh doanh vàng và ngay cả thời điểm năm 2009, khi thị trường chứng khoán phát triển vượt bậc vẫn chưa lôi kéo được họ về. Vậy rõ ràng dòng tiền của nhóm đầu tư này cũng không thể chảy về thị trường chứng khoán một cách 'cơ học' được." ông Hải nhấn mạnh.

Nhóm thứ ba là các chủ vựa kinh doanh và trồng trọt nông sản ở các tỉnh. Theo ông Hải, những người này chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng hay ngoại tệ nên “vàng” trở thành lựa chọn tích lũy mỗi khi họ có nguồn vốn nhàn rỗi. Rất nhiều người trong số họ vì nhiều lý do đã không mang vàng gửi tích kiệm mà cất đi hay chôn giấu chúng ở trong nhà. Khi tham gia đầu tư, có người đã từng ôm nguyên cả vàng vật chất đến sàn để giao dịch. Vì vậy, nhóm nhà đầu tư này khó có điều kiện tiếp cận với thị trường chứng khoán do họ không có nhiều kiến thức về các chỉ số tài chính.

"Ngoài ra, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài và Việt kiều đầu tư trên sàn vàng. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của nhóm này là rất chuyên nghiệp và có chiến lược, chắc chắn họ sẽ không có những hành động chuyển hướng đầu tư một cách vội vã", ông Hải lý giải thêm.

Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng Phố Wall bày tỏ quan điểm, trong hơn 6.000 tài khoản đăng ký tại Phố Wall, đa phần duy trì số vốn khoảng từ vài chục triệu đồng cho tới trăm triệu đồng, số tài khoản có giá trị lên tới “tiền tỷ” là không nhiều. Với khoản vốn như vậy để hoạt động trên thị trường chứng khoán kể cũng là eo hẹp, còn thị trường bất động sản lại càng không dành cho người có vốn ít.                   

Nhà đầu tư nghĩ gì?

Ông Hoàng Trung Phong, nhà đầu tư trên sàn vàng từ những ngày đầu băn khoăn, về lâu dài cũng chưa thể biết sẽ dùng nguồn vốn hiện có để làm gì.

Ông Phong cho biết: “Vàng là một kênh quá hấp dẫn đối với tôi. Tôi chuyển đầu tư từ chứng khoán sang vàng từ rất lâu rồi, nên bây giờ chỉ có thể chuyển một phần vốn nhỏ về chứng khoán thôi vì diễn biến trên thị trường chứng khoán rất thất thường".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lợi, Kim Mã-Hà Nội, lại cho hay hiện tại vẫn tiếp tục giao dịch trên sàn vàng. Sau 3 tháng tới, khi sàn vàng đóng cửa ông sẽ chuyển sang kinh doanh vàng vật chất.

“Bởi tôi thấy kênh đầu tư này phù hợp với khả năng và kiến thức của mình. Năm 2006, 2007 tôi đã có tham gia thị trường chứng khoán với số vốn tương đối lớn, nhưng thị trường lên xuống thất thường, kết quả đầu tư không được như ý muốn nên tôi đã chuyển hẳn qua đầu tư vàng”, ông Lợi nói.

Anh Thế Hùng (nhà đầu tư tại Quảng Ninh) thì lại có quan điểm khác, khi đầu tư trên cả hai lĩnh vực vàng và chứng khoán với tỷ lệ 50:50. Anh Hùng quyết định sẽ không đổ toàn bộ vốn vào chứng khoán và có thể tới đây anh sẽ chuyển nguồn vốn từ sàn vàng sang vàng vật chất hay bất động sản.

Anh Hùng cũng cho hay, những người bạn đầu tư trên sàn vàng với anh rất đa dạng, từ những người kinh doanh tại chợ, những người làm nghề tự do, công chức... hay cả những doanh nhân. Vàng là hàng hóa dùng để tích lũy “mang tính truyền thống” nên rất dễ tiếp cận và có thể chơi ngoài giờ, thường là thời điểm từ 0h00 đến 5h00 hàng ngày, khi vàng thế giới có rất nhiều biến động. Nhưng nếu đầu tư chứng khoán, thời gian tập trung vào giờ hành chính và quá nhiều mã, kiến thức rất phức tạp nên cũng là một cản trở lớn.

“Tôi chưa bao giờ kinh doanh chứng khoán, kinh doanh vàng trên sàn là nghề tay trái của tôi. Nên nếu đóng cửa sàn vàng tôi cũng không lo lắng lắm, hơn nữa vẫn có nhiều hình thức đầu tư, không nhất thiết cứ phải là chứng khoán.” - ông Vũ Trung, nhà đầu tư trên sàn vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục