Ngân hàng Anh: Lợi nhuận lớn, nộp phạt cũng nhiều

Lợi nhuận trước thuế của 5 ngân hàng lớn nhất Anh năm 2012 lên tới 31,5 tỷ bảng, nhưng phải chi gần 20 tỷ bảng để nộp phạt và bồi thường.
Hãng kiểm toán KPMG cho biết lợi nhuận trước thuế của năm ngân hàng lớn nhất ở Anh tăng tới 45% trong năm 2012, nhưng phần lớn trong khoản lãi này đã được dùng để nộp phạt cho các nhà chức trách do vi phạm các quy định pháp lý, cũng như để bồi thường cho khách hàng vì những sai lầm trước đây.

Theo KPMG, lợi nhuận trước thuế của Barclays, HSBC, Lloyds, Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) và Standard Chartered trong năm 2012 lên tới 31,5 tỷ bảng.

Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng đã phải chi ra khoản tiền kỷ lục gần 20 tỷ bảng để nộp phạt và bồi thường cho các khách hàng, khiến cho lợi nhuận giảm 40% so với năm 2011, xuống còn 11,7 tỷ bảng.

Riêng khoản tiền các ngân hàng này phải bỏ ra để bồi thường cho các khách hàng vì đã bán nhầm sản phẩm bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI) trong năm 2012 đã lên tới 7,4 tỷ bảng.

Ngoài ra, năm "đại gia" ngân hàng cũng phải móc hầu bao 4,7 tỷ bảng để nộp phạt cho các nhà chức trách cả trong và ngoài nước do vi phạm các quy định pháp lý, trong đó có quy định về chống rửa tiền, hoặc lập quỹ dự phòng để giải quyết các bê bối và 12,8 tỷ bảng để bù vào khoản thiệt hại do việc đánh giá lại các khoản nợ của các ngân hàng này.

Đáng chú ý nhất trong năm vừa qua là vụ Ngân hàng HSBC phải nộp khoản tiền phạt kỷ lục 1,9 tỷ USD cho các nhà chức trách Mỹ do bị cáo buộc buông lỏng việc kiểm soát hoạt động rửa tiền ở nước này.

Trong khi đó, Ngân hàng Hoàng gia Scotland và Ngân hàng Barclays lần lượt bị các nhà chức trách Anh và Mỹ phạt 390 triệu bảng và 290 triệu vì tham gia vào vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng London (Libor) - lãi suất tham chiếu cho những khoản vay trị giá nhiều nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.

Ông Bill Michael, chuyên gia về dịch vụ tài chính thuộc KPMG, cho rằng các ngân hàng nhìn chung đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cân đối thu chi và tăng vốn.

Tuy nhiên, theo ông Michael, về mặt thanh danh thì 2012 là một năm tồi tệ đối với các ngân hàng Anh. Đó là lí do tại sao điều quan trọng nhất đối với các ngân hàng Anh vào thời điểm này là phải giải quyết những vấn đề, nhận thức về văn hóa và đạo đức để lấy lại niềm tin của khách hàng./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục