Vượt qua nỗi đau da cam vươn lên làm giàu

Ông Trần Đình Vinh, nạn nhân chất độc da cam ở Hà Nam, không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác.
Trong những ngày cả nước đang hướng tới những hoạt động sẻ chia cùng các nạn nhân chất độc da cam, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp về thăm cơ sở may của bác Trần Đình Vinh - một nạn nhân mang trong mình di chứng chất độc da cam ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Vượt lên nỗi đau của "vết thương không chảy máu", người cựu chiến binh đã tiếp tục khẳng định được phẩm chất của người lính trong thời bình là vươn lên làm giàu cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho nhiều người có cùng hoàn cảnh.

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, bác Vinh nhớ lại những ngày tháng đã qua với bao vất vả để gây dựng nên xưởng may của gia đình. Bác kể: “Khi rời quân ngũ trở về địa phương tôi lành lặn, khỏe mạnh, xây dựng gia đình và sinh được 4 người con. Thấy các con khi mới sinh ra đều khỏe mạnh, bình thường tôi càng hăng hái tham gia công tác của xã như làm Phó Chủ tịch xã, Chủ nhiệm hợp tác xã nhiều năm liền và phát triển kinh tế gia đình, nhưng rồi người con út càng lớn sức khỏe càng giảm sút và trí tuệ cũng phát triển chậm".

Gia đình đưa cháu đi chạy chữa tại nhiều bệnh viện rất tốn kém nhưng vẫn không khỏi, trong khi hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn và cuối cùng được biết cháu đã bị lây nhiễm chất độc da cam từ mình. "Thực sự là một cú sốc đối với tôi và gia đình, cứ mỗi lần nhìn đứa con gái ngơ ngẩn lòng tôi lại đau thắt lại. Nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi đã không nản lòng mà luôn động viên các thành viên trong gia đình cùng vượt qua tất cả'', ông Vinh chia sẻ.

Năm 2004, bác Vinh quyết định vay mượn vốn để đầu tư 3 máy may công nghiệp và tìm các mối hàng để các con có việc làm tại nhà. Không ngại khó khăn, bác Vinh đã đến tận các cơ sở may lớn để trực tiếp nhận hàng và làm gia công cho họ và bác đã nhận gia công may váy xuất khẩu cho Angola, công việc làm ăn của bác bắt đầu có những tín hiệu vui.

Để tạo việc làm, thu nhập không chỉ cho các thành viên trong gia đình mà cho cả những người có chung hoàn cảnh, bác chắt chiu mua thêm máy, từ 3 chiếc máy lên 5 máy, 7 máy và đến nay trong xưởng có 18 máy và 2 máy vắt sổ. Xưởng may của gia đình bác thường xuyên đảm bảo việc làm cho 20 lao động; trong đó có 3 lao động là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, còn lại là các con em cựu chiến binh trong và ngoài xã.

Chị Trần Thị Hằng - một công nhân may đã gắn bó với xưởng ngay từ những ngày đầu thành lập, xúc động nói: tôi rất yên tâm khi được làm tại xưởng may của bác Vinh. Ở đây chị em được làm việc thoải mái trong không khí gia đình và có thời gian chăm sóc con cái, với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng nhưng chị không phải chi phí các khoản thuê nhà và xăng xe, tính ra hiệu quả kinh tế còn cao hơn nhiều ở các công ty xa nhà.

Còn với bác Vinh để có được việc làm và ngày công ổn định cho thợ, bác đã không quản ngại khó khăn, vất vả để tìm các mối hàng. Bác cũng luôn nhắc nhở mọi người phải làm việc chăm chỉ, cẩn thận để giữ được uy tín với khách hàng. Do đó, cơ sở may của bác Vinh luôn nhận được các mối hàng may đòi hỏi kỹ thuật cao như váy, áo xuất khẩu đi các nước Châu phi.

Nói về dự định tương lai, bác Vinh cho biết, rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội nạn nhân chất độc da cam, các nhà hảo tâm để có điều kiện mở rộng quy mô nhà xưởng, từng bước đáp ứng nhu cầu việc làm cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam và con em các cựu chiến binh trong và ngoài huyện./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục