Sắc xanh trở lại thị trường chứng khoán châu Á

Sắc xanh đã xuất hiện trở lại hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á, nhờ hoạt động săn lùng chứng khoán giá hời của giới đầu tư.
Trong phiên giao dịch ngày 7/9, “sắc xanh” đã xuất hiện trở lại trên hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á, nhờ hoạt động săn lùng chứng khoán giá hời của giới đầu tư sau khi chứng kiến vài phiên giảm điểm trong thời gian gần đây và tỷ giá đồng yên suy yếu.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 172,84 điểm, tương đương 2,01%, lên 8.763,41 điểm, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009 vào phiên trước đó.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 66,75 điểm, tương đương 3,78%, đóng cửa ở mức 1.833,46 điểm, đáng chú ý là giá cổ phiếu của hai tập đoàn điện tử hàng đầu "Xứ Kim chi" là Samsung Electronics và LG Electronics lần lượt tăng 6,33% và 9,14%.

Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng tăng mạnh 107,9 điểm (2,65%), lên mức 4.183,4 điểm, nhờ các báo cáo mới đây cho thấy kinh tế Australia đã phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2011 với mức tăng trưởng 1,2%, vượt xa mức dự kiến trước đó, sau khi chứng kiến tình trạng suy giảm kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay.

Xu hướng tăng điểm cũng lan sang hai thị trường chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng hải và Hong Kong. Chốt phiên này, chỉ số Composite và Hang Sheng lần lượt tăng 45,57 điểm (1,84%) và 337,50 điểm (1,71%), đóng cửa ở mức 2.516,09 điểm và 20.048 điểm.

Sau khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) quy định tỷ lệ hối đoái tối thiểu 1,2 franc Thụy Sĩ đổi 1 euro, với lý do giá trị đồng franc (cũng giống như đồng yên, được giới đầu tư coi là "nơi trú ẩn an toàn") đang đe dọa nền kinh tế nước này, các chuyên gia phân tích đã nhận định rằng nhiều khả năng Nhật Bản sẽ theo chân Thụy Sĩ và sớm đưa ra các biện pháp nhằm “hạ nhiệt” đồng yên.

Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày vào 7/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố sẽ tạm thời không đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Trong phiên giao dịch đêm hôm trước (6/9) tại Mỹ, thị trường chứng khoán Phố Wall mở cửa trở lại sau một ngày nghỉ lễ Lao động với mức sụt giảm mạnh, do những lo ngại dai dẳng về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và nguy cơ Mỹ rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo.

Tuy nhiên, đến cuối phiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ quay đầu phục hồi “khiêm tốn” và chốt phiên với mức giảm nhẹ.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 100,96 điểm, tương đương 0,90%, đóng cửa ở mức 11.139,30 điểm, đánh dấu phiên giảm điểm thứ ba tiên tiếp của chỉ số này ở mức 3 con số. Chỉ số S&P 500 giảm 8,73 điểm (0,74%), xuống 1.165,24 điểm; trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 6,5 điểm, tương đương 0,26%, xuống 2.473,83 điểm.

Giới đầu tư đang hoang mang trước những cuộc biểu tình phản đối chính sách ‘thắt lưng buộc bụng” tại Italy và Tây Ban Nha, trong khi nỗi lo về nguy cơ Hy Lạp sẽ thất bại trong việc cắt giảm nợ và Đức có thể thu hẹp khoản ngân sách hỗ trợ cho “Xứ sở các vị Thần” trong kế hoạch cứu trợ mới nhất dành cho nước này vẫn không ngừng nguôi ngoai.

Hòa thêm vào không khí ảm đạm này là thông tin Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ tuyên bố sẽ nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm giữ cho đồng franc Thụy Sĩ không vượt quá ngưỡng 1,2 franc/euro.

Phía bên kia Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán của châu Âu biến động không đồng nhất trong phiên giao dịch ngày 6/9.

Tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 1,06%, đóng cửa ở mức 5.156,84 điểm. Tuy nhiên, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức lần lượt giảm 1,13% và 1% xuống 2.965,64 điểm và 5.193,97 điểm./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục