"Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu với châu Á"

ADB cho rằng kiểm soát lạm phát phải là "ưu tiên hàng đầu" ở châu Á hiện nay vì tỷ lệ lạm phát có thể tăng mạnh trong thời gian tới
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 6/4 cho rằng kiểm soát lạm phát phải là "ưu tiên hàng đầu" ở khu vực châu Á hiện nay.

Hiện có rất nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do tốc độ tăng trưởng nóng ở một số nền kinh tế mới nổi, trong khi làn sóng chính biến ở Trung Đông và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản đang đẩy giá dầu, giá nông sản leo thang.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2011 vừa được công bố, ADB dự báo một số nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Fiji và Azerbaijan có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 7,8% trong năm nay và 7,7% trong năm 2012.

Tốc độ tăng trưởng này mặc dù thấp hơn so với mức 9% của năm 2010, nhưng lại đang gây ra những quan ngại lớn đối với giới hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia kinh tế trong khu vực, khi mà tỷ lệ lạm phát được dự kiến tăng trung bình tới 5,3% trong năm nay so với mức 4,4% trong năm 2010.

Trong số các nước châu Á, Việt Nam và Pakistan có thể đối mặt với mức tăng tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hong Kong (Trung Quốc), nhà kinh tế Changyong Rhee của ADB cảnh báo khu vực châu Á có một số dấu hiệu phát triển quá nóng nên cần phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Theo ông, áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt, kết hợp với các biện pháp kiểm soát tiền tệ không những giúp kiềm chế giá tiêu dùng đang tăng mạnh, mà còn làm dịu sức ép tăng giá đối với người nghèo, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và hiện chiếm tỷ lệ khá lớn ở khu vực châu Á.

Theo kết quả các cuộc nghiên cứu mới đây, tỷ lệ lạm phát tăng, đặc biệt là tăng giá lương thực, sẽ khiến hàng chục triệu người ở châu Á, vốn đang ở ngưỡng nghèo khổ, rơi vào tình trạng bần cùng.

Theo tính toán, nếu giá lương thực tăng thêm 10% thì châu Á sẽ có thêm 64 triệu người nghèo, chiếm hơn 7% dân số. Ngoài ra, giá lương thực và tỷ lệ lạm phát tăng cũng sẽ tác động mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô, nới rộng khoảng cách về thu nhập và có nguy cơ dẫn tới căng thẳng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục