Chiếc xe hy vọng

Chiếc xe cũ và hy vọng tìm con của một người cha

Với Cheng Zhu, chiếc xe buýt nhỏ cũ kỹ là bạn đồng hành đầy hữu ích trong hành trình tìm lại con gái bị bắt cóc cách đây 5 năm.
Nhìn Cheng Zhu nổ máy chiếc xe buýt nhỏ méo mó, bụi bặm thật khó mà tưởng tượng rằng anh đã ngang dọc khắp Trung Quốc bằng nó. Chiếc xe được phủ kín bằng những tấm hình trẻ em tươi cười. Nhưng đằng sau chính là nỗi đau khôn nguôi của các bậc phụ huynh mất con…

Với Cheng Zhu, 36 tuổi, chiếc xe buýt nhỏ đó chính là hy vọng duy nhất trong nỗ lực tìm lại cô con gái bị bắt cóc Cheng Ying. Năm 2005, Cheng Ying lúc đó 5 tuổi, đã mất tích trên đường từ trường về nhà ở ngoại ô thủ phủ Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Tin rằng con mình đã lọt vào tay những tên bắt có trẻ em, Cheng Zhu quyết định dành cả cuộc đời cho việc tìm lại con cho dù điều đó khiến anh đang mất tất cả những gì còn lại.

Người cha này thổn thức: “Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc,” bất kể nỗi ám ảnh đó khiến anh không chỉ tiêu tốn tất cả khoản tiền tiết kiệm mà còn đang nợ nần chồng chất. Ngoài ra, cuộc hôn nhân của Cheng Zhu cũng đang trên bờ vực đổ vỡ sau những nỗi đau mất con và hành trình tìm lại đầy gian nan, tốn kém.

Jin Lunju, người vợ, vẫn luôn bật khóc khi nói về cô con gái lớn. Hiện, Jin Lunju ở nhà nội trợ và dành mọi thời gian để chăm sóc cô con gái nhỏ, giờ cũng đã 5 tuổi. Dù cô nói rằng đã hết hy vọng gặp lại Cheng Ying, Cheng Zhu vẫn tiếp tục bôn ba khắp nơi và thậm chí đã thiết lập được một mạng lưới hỗ trợ cho các gia đình mất con. Nhiều người giờ cũng tham gia vào hành trình của Cheng Zhu.

Ban đầu, Cheng Zhu, một công nhân xây dựng, chỉ tìm kiếm bằng cách lái xe vòng vòng quanh Tây An. Giờ thì phạm vi đã mở rộng sang các thành phố, các tỉnh gần đó. Anh còn chi hàng nghìn Nhân dân tệ để đăng quảng cáo trên các đài truyền hình địa phương với hy vọng có được tin tức nào đó.

Sau khi gặp gỡ trực tuyến với các phụ huynh chung hoàn cảnh, năm ngoái, Cheng Zhu đã lập Liên minh Những phụ huynh mất con và bắt đầu lên kế hoạch cho hành trình kéo dài một tháng bằng chiếc xe buýt cũ kỹ của mình.

Từ 1/1-4/2 vừa qua, trong 35 ngày, Cheng Zhu cùng một số phụ huynh khác đã trải qua hành trình dài tới 20.000km. Chiếc xe thường xuyên dừng lại ở các địa điểm đông người để trưng bày những bức ảnh của gần 3.000 đứa trẻ thất lạc. Đêm xuống, họ lại thắp nến tưởng nhớ những đứa con không rõ đang ở đâu. Trên thành xe, bên cạnh nhiều bức ảnh chụp các em bị mất tích là một biểu ngữ đơn giản: “Con ơi, bố và mẹ rất buồn vì mất con. Chúng ta nhớ con.”

Nỗi đau được san sẻ

Dù những nỗ lực của Cheng Zhu đẩy hạnh phúc gia đình trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn (hiện người công nhân này đang nợ gần 80.000 NDT ở ngân hàng sau khi tiêu hết 300.000 NDT tiết kiệm, chủ yếu dùng để mua và duy trì, bảo dưỡng chiếc xe buýt “hy vọng”), các chuyên gia cho rằng anh đang giúp những người cùng cảnh ngộ vượt qua được thời khắc khó khăn của cuộc sống.

Zhang Baoyan, phụ trách tổ chức Baby Home (với 20.000 tình nguyện viên có nhiệm vụ giúp đỡ các bậc phụ huynh tìm kiếm con cái thất lạc), nhận xét: “Liên minh Những phụ huynh mất con giúp giảm bớt những sức ép và căng thẳng cho mọi người sau nỗi đau tột cùng. Mọi người sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi gặp những người cùng cảnh ngộ. Họ chia sẻ và hỗ trợ nhau. Sức mạnh đoàn kết sẽ nâng đỡ tinh thần cho họ.”

Và Liên minh càng được an ủi hơn khi ngày 28/2, họ giúp được một bé gái đoàn tụ với gia đình. Cui Yiting, 8 tuổi, sau một năm mất tích đã được tìm thấy ở tỉnh Phúc Kiến. Đối tượng bắt cóc em là Pang Youcheng, 25 tuổi, quyết định trả lại Cui Yiting cho gia đình đồng thời ra đầu thú cảnh sát.

Tên này nói rằng hắn cảm thấy có lỗi trước những lời cầu xin trợ giúp đầy cảm động của bố mẹ bé Cui Yiting. Người cha, Cui Dongsheng, là một thành viên của Liên minh và ông cho rằng những nỗ lực của Liên minh đã giúp đỡ nhiều trong sự trở lại của con gái mình.

Đi tìm giải pháp

Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã phá được 4.420 vụ liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em, một phần trong chiến dịch đặc biệt nhằm giải quyết vấn đề này. Chiến dịch trên thu được kết quả là 6.200 đối tượng bị bắt giữ, gần 1.000 băng nhóm bị triệt phá. Với sự hỗ trợ của các dữ liệu DNA, cảnh sát đã xác nhận chính xác được nhân thân của 298 trong tổng số 2.169 trẻ em được giải cứu trong chiến dịch trên.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực được củng cố, bắt cóc trẻ em vẫn là một vấn nạn ở Trung Quốc. Thiếu niên thường bị bắt cóc để sau đó trở thành lao động “khổ sai” trong các ngành lậu như các xưởng gạch “đen”. Còn trẻ em nhỏ tuổi hơn thì bị bán cho các gia đình không có con hoặc hoặc muốn có con trai nối dõi.

Liên minh Những phụ huynh mất con cũng chỉ trích rằng trong hành trình một tháng hồi đầu năm nay, họ hầu như không tiếp cận được với các cô nhi viện, nơi mà các chuyên gia tin rằng có nhiều trẻ em bị buôn bán đang sống trong đó.

Zhang Baoyan của tổ chức Baby Home nhận xét: “Với lý do bí mật cá nhân, các cô nhi viện không cho phụ huynh vào tìm con. Họ thường chỉ đăng quảng cáo kiểu như đăng một đứa trẻ muốn tìm bố mẹ nuôi. Những quảng cáo như vậy xuất hiện trên một tờ báo vô danh nào đó và nhiều phụ huynh đang lặn lội tìm con không thể để ý đến. Nhiều tháng sau, qua các kênh khác nhau, các cô nhi viện cho các em trở thành con nuôi, điều sẽ chia tách chúng mãi mãi với bố mẹ thực sự.”

Lúc này, Cheng Zhu đang trở lại với công trường để kiếm tiền lo cho gia đình. Nhưng anh đã sẵn sàng kế hoạch cho một chuyến đi tiếp theo dự kiến vào tháng 10 nếu mọi việc suôn sẻ: “Tôi sẽ không bao giờ dừng lại cả.”/.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục