Tây Ninh, Phú Yên lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp

Ngày 25/3, HĐND Tây Ninh và Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên triển khai việc lấy ý kiến góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ngày 25/3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh triển khai việc lấy ý kiến trực tiếp đến từng hộ dân; cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị; khối lực lượng vũ trang… góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức họp cán bộ chủ chốt các Sở, ban, ngành, Công an, Ban chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Bí thư, Chủ tịch, các đoàn thể xã hội huyện, thị xã tổ chức hoạt động này. Bên cạnh việc triển khai tốt đợt lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến tận hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp, bày tỏ chính kiến của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tỉnh Tây Ninh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp, phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ, làm cho người dân nắm vững, hiểu đúng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình; kịp thời đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng góp ý để chia rẽ mối đại đoàn kết toàn dân. Chiều 25/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất về số lượng Chương, Điều và tính súc tích cô đọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Một số đại biểu góp ý ở phần lời nói đầu của Dự thảo nếu viết là “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử” thì không hợp lý mà nên viết “Trải qua các thời kỳ lịch sử” thì hợp lý hơn.
Chị Phan Thị Hoa - Phó Phòng phổ biến, tuyên truyền pháp luật - Sở Tư pháp Phú Yên cho rằng “Mạch văn ở 5 phần trong Lời nói đầu của Dự thảo còn rời rạc, bố cục giữa các đoạn chưa chặt chẽ.
Các đại biểu còn cho rằng ở Điều 1 nên đưa từ “độc lập” lên trước từ “dân chủ” bởi nước phải độc lập thì mới dân chủ; ở điều 11 thì nên nhập hai khoản 1 và khoản 2 lại làm một. Ở điều 21 “Mọi người có quyền sống” nên sửa đổi là “Mọi người có quyền sống, mưu cầu hạnh phúc và quyền được chết” bởi như vậy thì sẽ đầy đủ và chặt chẽ và hơn trong thời kỳ mới. Đặc biệt đối với những người bị bệnh mà phải sống thực vật không còn đủ khả năng thực hiện các hành vi của mình nữa thì có quyền được từ bỏ cuộc sống./.
Lê Đức Hoảnh-Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục